Vì sao chủ trương tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm là chỉ nhằm củng cố quyền lực?

Sau khi giữ chức Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm đã khẳng định quyết tâm “cải cách thể chế” với mục tiêu đưa đất nước và dân tộc vào “kỷ nguyên mới”.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn không thuyết phục được các nhân vật bảo thủ trong Ban Chấp hành Trung ương. Nguyên nhân là do các thế lực chống lại Tổng Bí thư, cho rằng, ông đang mượn danh “cải cách” để đưa Đảng Cộng sản Việt Nam đi chệch con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

Đó là lý do, ông Tô Lâm đã phải chấp nhận “quay xe”, để đưa ra phương án mới là tinh gọn bộ máy, nó dễ thuyết phục Trung ương hơn. Trước đó, ông Tô Lâm đã dọn đường bằng việc khẳng định, phải “chi tới 70% thu ngân sách để nuôi bộ máy hành chính, thì lấy đâu ra tiền để phát triển?”.

Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thực hiện cuộc cách mạng cải cách hệ thống chính trị, với mục đích tinh gọn bộ máy vốn đang rất cồng kềnh, chồng chéo. Theo giới quan sát, đây là điều đã thuyết phục được hầu hết Ban Chấp hành Trung ương, kể cả những nhân vật bảo thủ nhất trong Đảng.

Ngày 1/12, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị, với nội dung trọng tâm là tinh giản bộ máy. Theo đó, phương án tinh gọn bao gồm việc giải thể hoạt động một số ban Đảng, sáp nhập các bộ và giảm ủy ban, cơ quan Quốc hội; được đưa ra nghiên cứu.

Theo ông Lê Minh Hưng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, mục đích của việc tinh gọn là giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, giảm tầng nấc trung gian. Cụ thể, cơ cấu của Chính phủ gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ sẽ giảm 5 bộ và 2 cơ quan trực thuộc; sáp nhập một số ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; nhập Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện…

Đáng chú ý, về sự thay đổi các ban đảng, đã có một vài đề xuất thay đổi, hiện nay con số các Ban Đảng ở Trung ương đang là 8 đơn vị và sẽ giảm bớt 2 cơ quan. Công luận cho rằng, việc các ban đảng chỉ giảm 2 cơ quan là quá ít. Và việc giữ lại Ban Kinh tế Trung ương là điều hết sức bất hợp lý. Vậy tại sao Ban Kinh tế Trung ương vẫn được giữ lại?

Theo giới chuyên gia, việc duy trì Ban Kinh tế Trung ương có thể dẫn đến sự chồng chéo chức năng với các bộ ngành khác, gây ra sự phức tạp trong quản lý và điều hành kinh tế. Điều này có thể làm giảm hiệu quả hoạt động và gây lãng phí nguồn lực của nhà nước.

Tuy nhiên, câu trả lời được cho là, ông Trần Lưu Quang – một đệ tử ruột của Tổng Bí thư Tô Lâm, vừa được điều về giữ chức Trưởng ban Kinh Tế Trung ương, với mục đích “lót ổ”, chờ thay thế cho Thủ tướng Phạm Minh Chính. Vì lý do đó, ông Tô Lâm không thể xóa sổ ban Kinh tế Trung ương.

Theo đồn đoán, Ban Nội chính có thể sẽ được sáp nhập với Đảng ủy các cơ quan Tư pháp thuộc Chính phủ. Phương án kể trên không chỉ nhằm vô hiệu hóa quyền lực của một số ban đảng – những nơi Tổng Bí thư chưa thực sự kiểm soát. Đồng thời với phương án này, các nhân vật như Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung sẽ bị tước hết thực quyền.

Công luận thấy rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm trước đây cũng đã thực hiện nhiều động thái tương tự nhằm củng cố quyền lực, thông qua việc bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao có liên hệ mật thiết, những người thân tín, đồng hương Hưng Yên, và đồng nghiệp trong ngành an ninh, vào các vị trí then chốt trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Điều đó đã cho thấy, ông Tô Lâm đang xây dựng một mạng lưới quyền lực dựa trên các mối quan hệ cá nhân, nhằm củng cố vị thế của mình trong Đảng. Điều này đã và đang gây ra lo ngại về quá trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao.

 

Trà My – Thoibao.de