Ngày 4/12, RFA Tiếng Việt loan tin “CIVICUS: Việt Nam không có không gian để xã hội dân sự hoạt động tự do năm thứ 7 liên tiếp”.
Theo đó, Việt Nam bị xếp vào nhóm có không gian dân sự đóng trong năm 2024, với việc hàng chục người bị bắt giữ, kể cả những quan chức của chế độ nhưng có tinh thần cải cách, theo tổ chức Liên minh Thế giới vì Sự tham gia của Công dân (CIVICUS).
RFA cho biết, CIVICUS – một liên minh xã hội dân sự toàn cầu, đưa ra 5 mức để đo lường tình trạng không gian dân sự của một nước, trong đó, tình trạng đóng cửa là mức tệ nhất – đồng nghĩa với khả năng thực hiện các quyền tự do cơ bản của công dân ở nước đó, như quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội… cực kỳ hạn chế.
Trong báo cáo tựa đề “Sức mạnh của dân chúng bị tấn công năm 2024”, công bố ngày 4/12, tổ chức này nói, Việt Nam tiếp tục không có không gian để xã hội dân sự hoạt động tự do, năm thứ 7 liên tiếp, kể từ khi tổ chức này lập ra CIVICUS Monitor, để giám sát 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo RFA, bên cạnh việc đàn áp giới bất đồng chính kiến, Chính phủ cũng nhắm đến quan chức trong bộ máy có tinh thần cải cách, như trường hợp bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình – một Vụ trưởng của Bộ Lao động, Thương binh, và Xã hội; và ông Vũ Minh Tiến – một Trưởng phòng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vì 2 ông cổ suý cho quyền thành lập công đoàn độc lập của công nhân.
Ông Bình bị bắt vào tháng 4, còn ông Tiến vào tháng 5, với cùng cáo buộc “làm lộ bí mật nhà nước”.
RFA cũng cho biết, giới nhà báo cũng bị nhắm mục tiêu. Blogger của RFA Nguyễn Vũ Bình bị bắt giữ vào tháng 2, và bị kết án 8 năm tù giam vào tháng 9, còn Trương Huy San – một nhà bình luận chính trị và là tác giả nổi tiếng với bút danh Huy Đức, bị bắt giữa năm và đối mặt với án tù 7 năm.
RFA dẫn đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng – Trưởng ban điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nói:
“Bản báo cáo đề cập khá đầy đủ về vấn đề đàn áp, nhất là họ đã đề cập đến việc hình sự hoá những hành vi dân sự, đàn áp xuyên biên giới, rồi việc các tù nhân lương tâm bị hành hạ. Đặc biệt họ đã liệt kê nhiều vụ nổi bật trong những khía cạnh khác nhau.”
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, báo cáo còn chưa đề cập đến một số hình thức vi phạm nhân quyền khác của Việt Nam, như việc bắt giữ tuỳ tiện và bất cập trong hệ thống tư pháp.
Trước đó, vào ngày 19/7, RFA cho hay “CIVICUS: Việt Nam không nương tay với giới hoạt động, bất chấp bị Liên Hiệp Quốc xem xét về nhân quyền”.
Theo đó, trong phúc trình công bố ngày 18/7, CIVICUS nói rằng, Việt Nam thực hiện “những nỗ lực có hệ thống, nhằm bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và blogger, bao gồm cả việc bỏ tù họ theo điều luật an ninh quốc gia, hạn chế quyền tự do đi lại của họ cũng như tra tấn và đối xử tệ bạc khi giam giữ”.
Ngoài ra, vẫn theo RFA, chính quyền Cộng sản bị cho là thi hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông, kiểm duyệt trực tuyến và kiểm soát trên phương tiện truyền thông xã hội cũng như các hạn chế đang diễn ra đối với các cuộc biểu tình ôn hòa.
RFA dẫn lời ông Josef Benedict – chuyên gia của CIVICUS, nói:
“Điều vô cùng đáng thất vọng là, bất chấp việc xem xét nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền vào tháng 5/2024, chính quyền Việt Nam vẫn phớt lờ các khuyến nghị của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, nhằm bảo đảm các quyền tự do cơ bản và chấm dứt các hành vi bắt giữ và giam giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến chính trị và các nhà báo.”
Hoàng Anh – thoibao.de