Ngày 5/1/2025, RFA Tiếng Việt đăng bài phân tích “Nghị định 168: Luật sư chỉ ra những điều bất hợp lý”, của luật sư bút danh Jacob.
Theo đó, các quy định xử phạt vi phạm giao thông, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP và các văn bản liên quan, đã gây nhiều tranh cãi về tính hợp pháp, minh bạch và tác động xã hội.
Những vấn đề chính bao gồm: mức phạt quá cao, cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe, quy trình thưởng người báo cáo vi phạm, thẩm quyền xử lý vi phạm, và việc hạn chế giám sát bằng ghi âm, ghi hình.
Tác giả chỉ ra, theo Điều 6.13 của Nghị định 168, mức xử phạt vi phạm giao thông đã tăng từ 27 – 30 lần, tối đa lên tới 70 triệu đồng. Trong khi đó, Điều 24.1.b của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, mức phạt tối đa chỉ là 40 triệu đồng.
Việc Nghị định 168 quy định mức phạt cao hơn khung luật cho phép, là có dấu hiệu trái luật, gây tranh cãi về tính hợp lý, hợp pháp của Nghị định này.
Tác giả cho biết, Nghị Định 168 quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với người vi phạm, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 không quy định hình thức này.
Nếu coi biện pháp trừ điểm giấy phép lái xe là hình thức xử phạt bổ sung, thì Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng không quy định, hay đề cập tới biện pháp này.
Tác giả nhận xét, có thể thấy, việc trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp mới, chưa được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính, và chỉ xuất hiện tại Điều 58 trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Như vậy, rõ ràng giữa Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Luật Trật tự, an toàn giao thông 2024, không tương thích, có sự xung đột trong vấn đề xử phạt, điều này dẫn đến nghi ngờ về tính hợp pháp của quy định này.
Về tiền thưởng, tác giả cũng cho biết, Nghị định 176/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định mức thưởng tối đa 10% số tiền phạt, cho người báo cáo vi phạm, số tiền thưởng tối đa là 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến nay, theo thông tin từ đại diện Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), việc chi trả tiền thưởng cho người báo cáo vi phạm vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn thi hành.
Điều này đồng nghĩa với việc, mặc dù đã có quy định về việc thưởng cho người báo cáo, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thiết lập cơ chế chi trả rõ ràng và minh bạch.
Tác giả cho rằng, điều này đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý và thực tiễn, như có nhiều người cùng báo cáo về một hành vi vi phạm; hoặc liệu có trường hợp quân xanh, quân đỏ trong trường hợp tiếp nhận tin báo để trục lợi; hoặc việc một người rao bán các clip vi phạm giao thông để kiếm lời; hay quá trình xét duyệt tin báo vi phạm của cơ quan chức năng diễn ra thế nào?
Rõ ràng, việc thiếu quy định chi trả rõ ràng và minh bạch, còn rất nhiều vấn đề dẫn đến tranh cãi và nghi ngờ về tính công bằng của cơ chế thưởng.
Tác giả dẫn Điều 39 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, theo đó, các chức danh công an được giao quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính, với mức phạt cụ thể tùy theo từng cấp bậc.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với Nghị Định 168, một số quy định mới trong văn bản này đặt ra một thách thức lớn, về sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Một số mức phạt vượt qua giới hạn thẩm quyền của công an viên.
Tác giả đánh giá, điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính hợp pháp của quyết định xử phạt, mà còn gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của công dân, và duy trì sự công bằng trong công tác thi hành pháp luật.
Tác giả đề cập đến Thông tư 46/2024/TT-BCA, quy định việc giám sát công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình đã bị loại bỏ.
Tuy nhiên, Điều 19 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định quyền giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính của người dân, mà không hạn chế hình thức.
Tác giả nhận định, việc loại bỏ hình thức ghi âm, ghi hình đối với lực lượng cảnh sát giao thông, rất dễ bị hiểu thành “cấm” người dân ghi âm, ghi hình, hạn chế quyền giám sát, đồng thời gây khó khăn trong việc thu thập bằng chứng chứng minh sai phạm của lực lượng chức năng.
Tác giả kết luận, từ những nhận định nêu trên, có thể thấy rằng, những quy định hiện hành về xử phạt vi phạm giao thông, mặc dù đặt mục tiêu nâng cao ý thức và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhưng lại đang tạo ra những bất cập về pháp lý và thực tiễn.
Thiết nghĩ, những vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng, để tạo ra một hệ thống pháp luật vừa nghiêm khắc, vừa hợp lý, vừa bảo đảm lợi ích của cả người dân và cơ quan thực thi.
Minh Vũ – thoibao.de