HỆ LỤY CỦA DẠY VÀ HỌC THÊM QUÁ NHIỀU

Cái lợi của học thêm thì chắc nhiều người thấy rồi, dễ thấy lắm. Còn cái hại của học thêm thì chưa chắc nhiều người biết. Sao học nhiều lại có hại?

Hại nhiều lắm, vấn nạn học thêm cỡ 20 năm nay nó tạo ra 1 thế hệ ỉ lại, nô lệ về kiến thức. Học sinh học thêm từ lớp 1, rồi phụ huynh thì ám ảnh cái câu “không thầy đố mày làm nên”, nên sinh ra ỉ lại, cái gì không biết cũng không chịu tự tìm hiểu, cứ ngồi chờ có người dạy. Tâm lý đó sẽ theo đuổi đến hết đời người. Đã từng chứng kiến nhiều nhân viên mới, cứ đi hỏi vẽ cái mái tôn, cửa cuốn, cửa xếp như thế nào? Mình bảo: “Mấy cái này có đầy ngoài đường, sao phải hỏi anh?”

Tính ỉ lại này phổ biến ở những người ở đô thị, nhà có điều kiện hơn là người xuất thân lam lũ, nhà quê. Nhiều bạn bè mình kể, em sinh ra ở nhà quê, nghèo, bố mẹ ít học, thì làm gì có tiền học thêm, bố mẹ cũng chả biết mà dạy, nên phải tự học thôi.

Học thêm từ bé dẫn đến người học trở nên mất tự tin, sợ hãi trước 1 kiến thức mới và có tâm lý kỳ thị người tự học, coi kiến thức tự học là dạng kiến thức vỉa hè, không đáng tin. Những người này sẽ có thêm tâm lý sùng bái khoa bảng, bằng cấp, mặc định coi thằng này không có bằng thì không đáng tin bằng con kia có bằng tiến sĩ. Giới hàn lâm cũng có tâm lý kỳ thị người tự học, cũng xuất phát từ quan điểm trên. Người ta có xu hướng đánh giá năng lực và kiến thức thông qua bằng cấp, 1 phần lớn lý do là bị phụ thuộc vào giáo dục chính thống và thầy cô giáo.

Cái hại nhất của học sinh học thêm nhiều chính là làm tê liệt khả năng tự học. Tự học cũng chính là khả năng đọc sách phi hư cấu. Ai tự học tốt mới có khả năng đọc hiểu sách phi hư cấu tốt. Sách thì ai cũng đọc được, nhưng đọc để hiểu và ứng dụng tốt thì hoàn toàn khác. Đọc 1 quyển sách 300 trang có lượng kiến thức có lẽ gấp 2-3 lần 1 cuốn sách GK và trình bày khó hiểu hơn SGK rất nhiều. Nếu tự đọc sách giáo khoa không nổi thì khẳng định luôn là không đọc nổi sách nghiên cứu, chỉ đi đọc truyện được thôi, hệ sách giải trí, mà đọc truyện cũng chỉ là thể loại thuần giải trí chứ không phải đọc truyện nào cũng hiểu và thấm.

Nếu không đọc nổi sách nghiên cứu thì coi như kiến thức cơ bản dừng lại khi học xong cấp học cuối cùng, tức là khi chia tay người giáo viên cuối cùng. Chuyện này không hề lạ với chính những giáo viên, kiến thức không hề thay đổi sau vài chục năm.

Nếu bạn có khả năng tự học thì bạn mới dễ dàng trở thành con người tự do, bởi vì nền tảng của con người tự do là tự do kiến thức. Bạn có thể biết những cái mà không có trường lớp, thầy cô nào dạy cả, không ai dạy mà bạn vẫn biết, thì đó mới là nền tảng để đi tới tự do.

Tự do về kiến thức sẽ là nền tảng để đi tới những thứ tự do khác. Nếu bạn chỉ phụ thuộc vào giáo viên thì bạn chỉ có kiến thức tối đa là bằng với giáo viên đó hoặc bằng với sách giáo khoa. Nếu bạn không phụ thuộc vào giáo viên và sách giáo khoa thì kiến thức của bạn có thể là vô tận, dù con đường mò mẫm để có kiến thức sẽ nhiều chông gai hơn là có người dẫn đường. Nhưng con đường do bạn tự tìm ra sẽ nhớ lâu hơn là có người bế bạn đi qua con đường đó.

Kỹ sư. Dương Quốc Chính