Tổng Bí thư Tô Lâm khó có thể tồn tại nếu không thay đổi

Ngày 19/2, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo đó, giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương gồm Hội đồng Nhân dân, và Ủy ban Nhân dân ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện và xã, như cấu trúc quản lý hành chính hiện tại. 

Bất chấp trước đó, Bộ Công an, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Lương Tam Quang, đã đề xuất tái cơ cấu lực lượng công an theo mô hình 3 cấp: Bộ Công an, công an cấp tỉnh, và công an cấp xã, tức là bỏ công an cấp huyện. 

Công luận thấy rằng, sự khác biệt này đã cho thấy quan điểm không đồng nhất giữa Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an về cấu trúc tổ chức hành chính. 

Theo đó, Quốc hội ưu tiên duy trì hệ thống mô hình tổ chức hiện tại để đảm bảo sự ổn định và liên tục trong quản lý nhà nước. Trong khi đó, Bộ Công an có mục đích hướng tới việc tinh giản bộ máy, tăng cường hiệu quả hoạt động thông qua việc loại bỏ cấp trung gian.

Theo giới phân tích quốc tế, “việc loại bỏ cấp trung gian” để tinh gọn bộ máy là cách “lý sự cùn”. Thực chất, việc Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo Bộ Công an đưa ra chủ trương “bỏ cấp trung gian” công an cấp huyện, chỉ là một hình thức mang tính đối phó. 

Với mục đích cao nhất là để đảm bảo quân số hiện tại của ngành công an không bị giảm bớt, sau khi việc tinh gọn sắp xếp bộ máy hành chính công hoàn tất. 

Cụ thể, Công an Hà Nội mới đây đã đưa ra thông báo, chuyển toàn bộ nhân sự công an cấp huyện sau khi giải thể để phân bổ cho các phòng, ban thuộc Công an Thành phố để bố trí công tác.

Trước đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã bảo lưu ý kiến, đồng thời khẳng định trước Quốc hội, dù tổ chức theo mô hình 3 hay 4 cấp, thì bên cạnh Ủy ban cấp quận, huyện, vẫn luôn tồn tại các cơ quan cùng cấp. Nếu bỏ công an huyện thì cũng phải giải tán các cơ quan cấp huyện tương đương.

Theo giới phân tích, việc bỏ cấp công an huyện là một phương án không hợp lý. Từ đó sẽ dẫn đến những khó khăn trong quản lý trật tự an toàn ở cấp địa phương, với lý do thiếu sự giám sát và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp. 

Ngoài ra, việc tập trung quyền lực vào 2 cấp tỉnh và xã, có thể tạo ra khoảng trống quyền lực ở cấp huyện. Điều đó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, và vấn đề phản ứng nhanh chóng của Bộ Công an đối với các vấn đề bảo vệ an ninh.

Đáng chú ý, mới đây, sau khi Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết giữ nguyên mô hình chính quyền 4 cấp. Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ngay lập tức đã chỉ đạo nghiên cứu việc bỏ cấp hành chính trung gian – tức cấp huyện, đồng thời xem xét việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. 

Động thái này, được cho rằng thể hiện sự tôn trọng của tập thể chiếm đa số, đối với ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ Công an.  Trước đó, ông Tô Lâm đã chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức bộ máy công an địa phương theo mô hình 3 cấp: Bộ Công an, Công an tỉnh, Công an xã, và không tổ chức Công an cấp huyện. 

Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề cần nghiên cứu, nhưng không đưa ra các điều kiện cụ thể về mặt thời gian cần phải hoàn tất. Đây cũng có thể là hành động “câu giờ” của phe không ủng hộ Tổng Bí thư Tô Lâm.

Quan trọng hơn, kết quả vừa kể đã cho thấy sự “lép vế” của ông Tô Lâm, và Bộ Công an tại thời điểm hiện nay. Khi nhiều chủ trương hay đề xuất của người đứng đầu của Đảng luôn thuộc về phe thiểu số ở trong Đảng.

Thế lực của ông Tô Lâm và phe cánh đã cho thấy sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ ban lãnh đạo Việt Nam, khiến người ta liên tưởng tới vấn đề “Một quốc gia, hai chế độ”. Đây là lý do, Tổng Bí thư Tô Lâm khó có thể tồn tại. Chúng ta hãy chờ xem.

Trà My – Thoibao.de