THAM NHŨNG LỘNG HÀNH – AI CH.ẾT MẶC AI, TIỀN TA CỨ HỐT

Một trong những vụ bê bối “khủng” trong ngành y tế dưới chế độ CSVN vừa được phanh phui, khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – thuộc Bộ Công an – hôm 13 tháng 5 đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, với cáo buộc “nhận hối lộ” liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả.

Không chỉ riêng Phong, bốn cán bộ khác trong cùng Cục cũng bị bắt giữ với cùng tội danh, gồm:

  • Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Đào tạo An toàn Thực phẩm,
  • Nguyễn Thị Minh Hải, Phó Giám đốc,
  • Lê Thị Hiên, chuyên viên,
  • Cao Văn Trung, Phó Phòng Giám sát Ngộ độc.

Tất cả đều bị cáo buộc đã tiếp tay cho đường dây tội phạm bằng cách “mở đường” cho sản phẩm giả thâm nhập thị trường.

Trong quá trình điều tra, Nguyễn Thanh Phong thừa nhận hành vi của mình. Cụ thể, ông khai rằng mỗi lần đi hậu kiểm về, bị can Cao Văn Trung lại đưa phong bì chứa 50 triệu đồng, nói là “doanh nghiệp cảm ơn”. Phong khai đã nhận 5 lần, tổng cộng 250 triệu đồng, sau 1 lần đi hậu kiểm và 4 lần cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) cho hai nhà máy MediPhar và MediUSA.

Đầu mối chính trong vụ án là Nguyễn Năng Mạnh, Giám đốc Công ty MegaPharco và Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA – những cái tên nghe có vẻ “chuẩn y tế”, nhưng thực chất lại là vỏ bọc cho đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả suốt nhiều năm. Nhóm của Mạnh được xác định là đã đưa hối lộ để được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đạt chuẩn GMP, đồng thời nhận 20 giấy công bố sản phẩm, tạo điều kiện cho hơn 200 loại thực phẩm chức năng giả tràn ngập thị trường Việt Nam – bất chấp tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Theo điều tra, từ năm 2016, nhóm của Mạnh dựng lên hàng loạt công ty để che giấu hoạt động phi pháp: từ khâu nhập nguyên liệu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, đến đóng gói, dán nhãn giả mạo là hàng nhập từ Mỹ và châu Âu. Chỉ tiêu phẩm chất thực tế thấp hơn rất nhiều lần so với công bố – có sản phẩm chỉ đạt dưới 30% hoạt chất, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm người già và trẻ nhỏ.

Chỉ đến khi bị điều tra, các bị can mới vội vàng tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ và đóng cửa nhà máy. Tuy nhiên, lực lượng công an đã kịp thời thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng giả tại nhiều kho hàng và cơ sở trên khắp cả nước.

Vụ án không chỉ phơi bày mảng tối nhức nhối trong ngành y tế dưới sự quản lý lỏng lẻo và tha hóa của chế độ cộng sản Việt Nam, mà còn cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của nạn tham nhũng khi nó ăn sâu vào chính nơi được giao bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Những kẻ khoác áo quản lý an toàn thực phẩm – lẽ ra là lá chắn cuối cùng trước thực phẩm độc hại – lại chính là kẻ bật đèn xanh cho tội ác.

Với hàng triệu người dân Việt Nam đang tin tưởng và sử dụng thực phẩm chức năng mỗi ngày, câu hỏi lớn là: bao nhiêu trong số đó là thuốc thật, thực phẩm an toàn? Và bao nhiêu là “bẫy chết người” đã được hợp pháp hóa bằng con dấu và chữ ký của những cán bộ tham nhũng trong ngành y tế?

Lão Thất