HÀNG GIẢ DO DÂN, QUAN PHỦI TRÁCH NHIỆM

Liên tiếp gần đây, hàng loạt những bê bối liên quan đế hàng giả bị phát hiện khiến người dân kinh ngạc về quy mô, và sự tiếp tay của hàng loạt cán bộ. Có những vụ thu lợi đến hàng ngàn tỷ đồng, hoặc một cơ sở hàng giả tồn tại hàng chục năm mà vẫn không bị phát hiện. Truy cứu về trách nhiệm quản lý, nhiều quan chức vẫn còn đang “đá bóng” trách nhiệm cho nhau. 

Vì sao hàng giả tồn tại lâu đến vậy? Câu trả lời đến trẻ em tiểu học còn biết: đó là do bao che, ăn chia lợi ích. Không có cán bộ biến chất, cấu kết, móc ngoặc thì hàng giả làm sao tuồn qua biên giới, lưu thông công khai trên thị trường. Cán bộ không nhận của đút lót khi thanh tra thì những doanh nghiệp kia sao có thể tồn tại? 

Vậy mà vẫn bài cũ, “đá bóng trách nhiệm”. Lợi là của quan, còn lỗi là do dân. Cách đây vài năm, Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường TPHCM nhận định “Người dân biết là giả, nhưng vẫn mua, góp phần làm cho hàng giả tồn tại”. Đến bây giờ vẫn đúng như vậy, tại do dân biết sữa giả, thực phẩm giả, dầu bẩn, nhưng vẫn cứ mua, Quản lý thị trường biết nhưng cho qua. 

Đến bao giờ cơ quan quản lý biết nhận trách nhiệm, cảm thấy xấu hổ vì sự yếu kém, nhục nhã vì hành vi ăn của đút lót, thì lúc đó hãy tính đến chuyện “vươn mình”. Khi thái độ “hành chính” và sự vô trách nhiệm vẫn tồn tại trong quan chức, thì “vươn mình” chỉ là khẩu hiệu trên biển hiệu mà thôi.

Văn Ba