Sau khi trở thành người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào đầu tháng 8/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ngay lập tức đưa ra những tuyên bố hứa hẹn về một “kỷ nguyên mới” của dân tộc. Điều đó đã tạo ra một không khí hồ hởi, phấn khởi trong một bộ phận không nhỏ của người dân kể cả một số trí thức.
Tuy nhiên, cho đến nay đã bước sang tháng thứ 5 trên cương vị Tổng Bí thư, công chúng thấy Tô Lâm chỉ nói chung chung chứ chưa làm. Thậm chí, từ chủ đề được gọi là cải cách thể chế, bất ngờ Tổng Bí thư chuyển sang chủ đề “tinh gọn, sắp xếp” lại bộ máy của hệ thống chính trị.
Nhưng sự thật, chủ trương “tinh gọn, sắp xếp” lại bộ máy là một di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã từng được khởi xướng sau Đại hội Đảng lần thứ 12, và được nhắc lại ở Đại hội Đảng sau này.
Tuy nhiên đến thời của Tổng Bí thư Tô Lâm, chủ trương “cũ kỹ” này được lôi ra phủi bụi và đánh bóng, cộng với việc tuyên truyền rầm rộ, đã khiến cho không ít người tưởng đó là chủ trương mới do ông Tô Lâm phát kiến và sáng tạo.
Kết quả thực hiện Nghị quyết 18 về “tinh gọn bộ máy” từ năm 2017 cho đến nay, bộ máy nhà nước cũng như số lượng công chức, viên chức ngày một phình to ra như đã thấy. Do vậy, dưới thời của Tổng Bí thư Tô Lâm, chủ trương này có thể cũng sẽ đi theo vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Tại sao lại nói như vậy?
Cần phải thừa nhận rằng, mặc dù mức lương của công chức và viên chức ở Việt Nam được đánh giá là thấp, nhưng vẫn có nhiều người sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để có được vị trí trong cơ quan nhà nước. Bởi lý do, lương ít nhưng “lậu” nhiều, chưa kể đến, làm việc trong khu vực công ổn định, ít rủi ro và có chế độ hưu trí tốt.
Một số đông có điều kiện tìm đến bộ máy nhà nước để kiếm cơ hội thăng tiến và nắm giữ quyền lực. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân họ, mà còn cho gia đình và người thân. Điều này thúc đẩy việc “chạy chức, chạy quyền”, để tham gia bộ máy công quyền, để từ đó tìm cơ hội leo cao, chui sâu.
Đây là một trong nhiều nguyên nhân tạo ra “sức ì” của bộ máy nhà nước hiện nay, và “tinh gọn bộ máy” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các lãnh đạo, cũng như những người trong bộ máy nhà nước.
Điều đó sẽ dẫn tới tình trạng bóp chỗ nọ lại phình chỗ kia. Đây là một trở ngại rất lớn gây ra nhiều tác động đến nỗ lực tinh gọn, và nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước của Tổng Bí thư.
Hơn thế nữa, nhân sự trong bộ máy nhà nước hiện nay đa số là “con ông, cháu cha”, hay những người có tiền mua vị trí. Đâu dễ gì mà dẹp được họ!
Chưa kể đến chuyện, cũng giống như sáng kiến “đốt lò” của Tổng Bí thư Trọng, công cuộc “tinh gọn bộ máy” của ông Tô Lâm phát động, cũng có thể chỉ là một thủ đoạn để loại trừ các đối thủ chính trị không ăn cánh. Nó hoàn toàn không nhằm mục đích tạo tiền đề cho cái gọi là “cải cách thể chế”.
Ngoài ra, có những nghi ngờ về việc Tổng Bí thư Bí thư Tô Lâm tuyên bố rằng Trung ương đã thống nhất cao tại Hội nghị Trung ương bất thường ngày 25/11 vừa qua, và Tô Lâm lạc quan khẳng định: “còn hơn một năm nữa là Việt nam vào Kỷ nguyên mới”?
Trong những ngày gần đây, mạng xã hội đã chia sẻ với tốc độ chóng mặt một tài liệu “Phương án sáp nhập” chỉ còn 31 tỉnh thành trên toàn quốc. Tuy nhiên, ngày 27/11, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ đã bác bỏ thông tin kể trên và khẳng định, đó là thông tin không xác thực.
Phải chăng những điều kể trên là dấu hiệu cho thấy, cũng như công cuộc “cải cách thể chế”, phương án “xuống thang”, tinh gọn bộ máy nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng sẽ bất thành?
Trà My – Thoibao.de