Ngày 20/11, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu mở phiên xét xử sơ thẩm, đối với ông Lê Đức Thọ – cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietinbank; ông Đỗ Thắng Hải – cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương; và nhiều nhân vật khác.
Đây là một vụ án kinh tế – chính trị rất quen thuộc dưới chế độ này. Trong đó, sự cấu kết giữa quyền lực chính trị và doanh nghiệp thân hữu, là mối liên kết phổ biến. Hầu như các quan chức có chút quyền lực cũng đều làm như thế. Ông nào xui thì bị bắt, không thì thôi.
Tại phiên tòa này, một lần nữa, người dân Việt Nam Nam lại chứng kiến một quan chức nhỏ lệ. Ông Đỗ Thắng Hải đã khóc lóc, kể lể, và tỏ vẻ “hối hận”.
Trước đây, các cựu quan chức như các ông Dương Tự Trọng, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Tất Thành Cang vv… cũng từng khóc lóc tại tòa. Điều này chỉ khiến cho họ bị đánh giá là “hèn kém”, là tự đánh mất danh dự và phẩm giá.
Không biết, ông Đỗ Thắng Hải là người thứ mấy khóc lóc tại tòa, chỉ biết rằng, loại quan chức “ăn bạo”, bất chấp hậu quả, rồi lại đi khóc lóc van xin khi ra tòa, dường như quá nhiều trong chế độ này, đến nỗi, người dân không thèm quan tâm bàn tán nữa, bởi đã quá nhàm chán.
Người Cộng sản tự vẽ ra cái gọi là “Chủ nghĩa Xã hội khoa học”, không biết, tính khoa học ở đâu, mà sao thể chế này lại sinh ra quan tham nhung nhúc như thế. Trước đây, khi còn làm Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang từng nói:
“Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ. Không nhẽ cứ để mãi như vậy, mai kia người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết. Thế đâu có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi. Một bầy sâu là chết cái đất nước này!”
Rồi bà Nguyễn Thị Doan, khi còn là Phó Chủ tịch nước cũng nói: “Tôi càng đi càng thấy buồn, [cán bộ] ăn của dân không từ một cái gì”.
Đó là thực tế, là sản phẩm của cái gọi là “Chủ nghĩa Xã hội khoa học” mà Đảng đang áp dụng tại Việt Nam.
Liệu rằng, có quan chức nào không thuộc “bầy sâu” kia hay không? Chỉ cần nhìn vào tài sản nổi, rồi đem so sánh với mức lương của quan chức, thì đủ hiểu, ở trong Đảng, không có một quan chức nào là không thuộc loài “sâu”, như ông Trương Tấn Sang ám chỉ.
“Sâu” có nghĩa là “sâu dân mọt nước”, là thành phần đục khoét tài nguyên, gặm nhấm vào xương tủy của đồng bào. Kết quả là đất nước chậm tiến, người dân khốn cùng, trong khi đó, quan chức thì phè phỡn trên đống tài sản ăn cắp và ăn cướp được. Có lẽ, “thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ” này, chính là thời đại nhiều “sâu mọt” nhất, có thể, tỷ lệ “sâu mọt” lên đến 100%.
Vậy, còn quan chức nào trong sạch để bắt sâu?
Sự oai hùng, dũng cảm, thường đi với sự chính trực. Sự tham lam thường đi chung với hèn mọn và ích kỷ. Đa số tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, dù bị chính quyền buộc tội oan, nhưng hầu hết, họ đều hiên ngang trước những phiên tòa bất công dành cho họ, mà chẳng nhỏ giọt nước mắt nào. Lẽ ra, họ phải là những người cầm lái cho con thuyền đất nước, thì ở xứ Xã hội Chủ nghĩa này, họ lại bị cầm tù. Ngược lại, những kẻ vừa tham, vừa hèn, như Đỗ Thắng Hải, lại được ngồi ngôi cao. Những người như Đỗ Thắng Hải mang lại lợi ích gì cho dân, cho nước?
Thực ra, ông Hải chỉ là người “ăn” bị “mắc nghẹn”, chứ hàng loạt quan chức khác vẫn “ăn” hàng ngày, mà không phải đứng trước tòa? Ví dụ như Tổng Bí thư Tô Lâm, từng bị phát hiện gặm miếng AVG ngàn tỷ, nhưng ông lại “nuốt trôi”, nên giờ này vẫn ngồi ngôi cao nhất đấy thôi?
Ai sạch trong chế độ này?
Ông Tô Lâm có sạch hơn ông Đỗ Thắng Hải không?
Chẳng có ai sạch, xung quanh chúng ta toàn là quan tham. Không những tham mà còn hèn, vậy thì, đất nước sẽ đi về đâu?
Hoàng Phúc – Thoibao.de