Ngày 29/11, RFA Tiếng Việt bình luận, “Đường sắt cao tốc Bắc Nam: những câu hỏi chưa có lời giải đáp”.
Theo đó, RFA cho hay, Việt Nam muốn bỏ ra gần 70 tỷ đô la xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội đến Sài Gòn. Nhưng dự án này sẽ không phải là động lực để phát triển các doanh nghiệp, và kỹ sư công nghệ cao của Việt Nam.
Theo RFA, trong thông báo số 2956/TB-BKHĐT tháng 4/2023, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, Ban cán sự Đảng Chính phủ ngày 06/10/2022, đã “thống nhất trình Bộ chính trị cho định hướng phát triển đường sắt theo hướng hiện đại”. Cụ thể, họ sẽ trình lên Bộ Chính trị kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường đôi khổ 1,435mm “để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200-250 km/h, tốc độ khai thác khoảng 200 km/h”.
Hồi 9/2024, Bộ Chính trị thông qua một nghị quyết bí ẩn, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 20/9/2024. Gọi là nghị quyết này là “bí ẩn”, vì nó không được công bố trên website của Đảng Cộng sản Việt Nam, hay bất kỳ cổng thông tin nào khác.
Vẫn theo RFA, ngày 1/10, Chính phủ Việt Nam công bố Báo cáo tiền khả thi của liên doanh tư vấn của các công ty trong nước, nghiên cứu khả năng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, kết hợp cả tàu khách và tàu chở hàng hóa. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi này khảo sát “23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa” của tuyến đường.
RFA dẫn lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho biết, bà ủng hộ dự án này, nhưng cũng đặt vấn đề chọn phương án nào, tốc độ 350km/h hay 250km/h. Tuy nhiên, số người đủ khả năng tài chính chi trả cho loại tàu 350km/h là còn khá ít. Trong khi đó, tàu vận tốc 250km/h có chi phí thấp hơn, nhiều người có thể đi hơn, và có lợi thế vừa chuyên chở người và hàng hóa.
Hôm 20/11, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nói ở Quốc hội rằng, họ “không đặt nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa với đường sắt tốc độ cao”, bởi vì các phương thức hiện hữu của Việt Nam đã “dư thừa cho nhu cầu vận tải hàng hóa”.
RFA cho biết, chi phí vận tải hàng hóa quá cao là vấn đề lớn, mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Chi phí chuyên chở hàng hóa của Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với các nước láng giềng. So với tổng sản phẩm quốc nội, chi phí vận tải của Việt Nam ở mức 16.8%. Trong khi đó, mức trung bình của thế giới là 10.7%, của Malaysia là 13%, Singapore là 8.5%.
RFA nhắc lại, từ khi có ý tưởng đường sắt cao tốc năm 2009 đến nay đã 15 năm, Việt Nam chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào được công bố để xác định tiềm năng thu lợi nhuận, hoặc thu đủ bù chi cho các tuyến đường sắt cao tốc, kết nối các thành phố xa như vậy ở Việt Nam.
RFA cho biết thêm, chi phí xây dựng đường sắt đô thị ở Hà Nội của Bộ Giao thông Vận tải cao gấp đôi ở Thượng Hải. Và Bộ này đang tính toán xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam 350 km/h, với chi phí cũng vượt xa chi phí của Trung Quốc.
Phương án của Bộ Giao thông Việt Nam, tính trung bình có chi phí là 45.6 triệu USD/km, vượt xa chi phí của Trung Quốc.
Chi phí đắt đỏ kỳ lạ này của Việt Nam vẫn chưa có lời giải thích chính thức một cách nghiêm túc.
RFA dẫn lời Tiến sĩ Thuỷ Nguyễn ở Đại học Oregon, từ Mỹ, đưa ra ủng hộ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam với tốc độ 250km/h, vừa chở hàng vừa chở khách.
Bà Thuỷ cho rằng, Bộ Giao thông cần đối thoại với các chuyên gia và doanh nghiệp Việt Nam trên tinh thần cởi mở, cùng tìm giải pháp tối ưu cho đất nước. Cần có một cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về dự án để phục vụ việc nghiên cứu. Theo Tiến sĩ Thuỷ Nguyễn, một dự án tầm cỡ quốc gia như vậy cần lắng nghe ý kiến tham vấn, phản biện của doanh nghiệp và chuyên gia trong một thời gian dài thay vì quyết định vội vã.
Xuân Hưng – thoibao.de