Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam: “trống chưa đánh đã bỏ dùi”, cơ hội thất bại sẽ rất cao!

Ngày 30/11, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trị giá 67 tỷ USD. Đây là Dự án tuyến đường sắt dài 1.541 km và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2035.

Dự án này có tầm quan trọng đặc biệt đối với tương lai chính trị của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nhà nước Việt Nam sẵn sàng bỏ ra gần 70 tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội đến Sài Gòn một cách quá vội vã. Trong khi việc chuẩn bị cho Dự án khổng lồ này chưa đầy đủ và thấu đáo.

Cụ thể, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam vẫn chưa thực sự hoàn thành. Nhiều văn bản có tính chuyên môn liên quan đến dự án này, trong đó có cả các tài liệu hội thảo khoa học đã bị đóng dấu “Mật”, để hạn chế sự chia sẻ của giới chuyên gia cũng như báo chí.

Theo giới phân tích quốc tế, thậm chí, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng – người chịu trách nhiệm về dự án này đã đưa ra chủ trương, không cần phía nước ngoài chuyển giao công nghệ lõi, không cần quan tâm đến khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Theo RFA, Kỹ sư Khiêm Nguyễn – một người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, đã đưa ra một nhận xét chua xót về tư duy của cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thắng, “Đó chỉ có thể là cách xài tiền chùa, xài tiền của người khác, của dân, không phải tiền của bản thân”.

Song quan trọng hơn, lãnh đạo Việt Nam thừa nhận năng lực yếu kém nhưng vẫn làm. Các kỹ sư Việt Nam hiện nay không đủ năng lực để làm, hay học về các công nghệ cao của kỹ thuật đường sắt cao tốc, và không đủ năng lực quản lý dự án.

Một câu hỏi đặt ra là, với trình độ yếu kém như vậy thì Việt Nam có nên làm Dự án Đường sắt cao tốc hay không? Những câu hỏi như trên đã được nêu ra cách đây nhiều năm. Đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Trước đây, ngày 19/6/2010, các đại biểu Quốc hội Khóa 12 đã bỏ phiếu bác bỏ dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam, lúc đó do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất. Điều đó hoàn toàn trái ngược với Nghị quyết của Quốc hội hiện tại, khi phải chịu áp lực của Thủ tướng Phạm Minh Chính với khẳng định “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Vấn đề quan trọng nhất đối với Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam hiện tại là khả năng rất cao, Trung Quốc sẽ được giao làm chủ thầu. Bởi lý do, ngoài Trung Quốc ra thì Việt Nam khó có thể tìm được một đối tác nước ngoài khác, có khả năng cung cấp tín dụng, và công nghệ cho đại dự án trị giá gần 70 tỷ USD này.

Tháng 6/2024, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Trung Quốc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã bày tỏ mong muốn được hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2023 của Chủ tịch Tập Cận Bình, 2 bên đã ký một loạt các thỏa thuận, bao gồm về hợp tác kết nối, và xây dựng các tuyến đường sắt, trong đó có thể có tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Nhắc lại để thấy, mặc dù Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, trong nhiều năm qua, là người chịu trách nhiệm chính về Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam, nhưng mới đây, ngày 28/11, ông Nguyễn Văn Thắng lại được điều động giữ 9chức Bộ trưởng Bộ Tài Chính.

Tại sao ông Thắng – người chủ trì của Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam lại bị lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng bỏ quên vai trò “nhạc trưởng” như vậy? Phải chăng đó là lối làm ăn “đánh trống bỏ dùi” truyền thống của ban lãnh đạo Việt Nam, kể cả đối với một dự án mang tầm vóc thế kỷ. Công luận nhận thấy rằng, đối với Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam, trống chưa đánh mà lãnh đạo đã bỏ dùi, thì cơ hội thất bại sẽ rất cao.

Chúng ta hãy chờ xem.

Trà My – Thoibao.de