Lê Đức Thọ 28 năm tù, với tài khoản ngàn tỷ mua án không khó!

Ngày 29/11, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với 15 bị cáo, trong vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và các cơ quan liên quan. Trong đó, cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận 3 năm tù, cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ nhận 28 năm tù.

Bản án 28 năm tù đã là rất nặng, tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà quan sát, thì tội của ông Thọ phải chịu án nặng hơn nhiều. Nhưng cựu Bí thư Bến Tre vốn là hạt giống đỏ, nên được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Trong bản kết luận ngày 17/8/2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng:

“Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trung ương nhận thấy, ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.”

Rõ ràng, số tiền cụ thể trong tài khoản của Lê Đức Thọ đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương giấu nhẹm, không cho dân biết. Tuy nhiên, thông tin rò rỉ xác nhận, tài khoản ngân hàng của ông Thọ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Khoản tiền này có thể giúp Lê Đức Thọ mua án, sau khi đã bị tuyên án.

Trong chế độ này, các cơ quan tố tụng không hoạt động độc lập, như các nước dân chủ, mà nó có sự cấu kết lẫn nhau giữa các quan chức tư pháp, cũng như cấu kết với các quan chức hành pháp. Sự phân quyền là phát minh vĩ đại của xã hội văn minh, nhờ đó, các cơ quan quyền và có chức năng giám sát, kiểm soát lẫn nhau. Từ đó mới có bộ máy nhà nước tương đối trong sạch.

Đối với một nhà nước, sự phân chia 3 nhánh quyền lực khiến quốc gia tiến bộ không ngừng. Chỉ riêng lĩnh vực tố tụng, 3 cơ quan – gồm cơ quan điều tra (tức công an), cơ quan công tố (tức  viện kiểm sát) và cơ quan xét xử (tử tòa án), cũng làm việc độc lập với nhau. Nhưng ở Việt Nam, cả 3 cơ quan trên đều phải nghe theo lệnh của Đảng. Họ không hề độc lập với nhau, mà là “anh em một nhà”, nghe theo sự sai khiến của cha mẹ chung – đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ chỗ 3 cơ quan tố tụng “cùng một giuộc”, nên việc thông đồng với nhau để mua bán công lý, là điều tất yếu. Trong những phiên tòa ở chế độ này, việc xét xử công khai chỉ là hình thức, thực chất, bản án được quyết định theo kết quả “chạy án”.

Giá cả “chạy án” tùy thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ, mức độ giàu nghèo của bị án, mối quan hệ giữa các bên… Nếu nạn nhân nhiều tiền, các quan tố tụng sẵn sàng tăng án để nâng giá.

Có lẽ, bản án 28 năm của ông Lê Đức Thọ là cái giá mà các quan tòa đặt ra cho ông. Đây mới chỉ là phiên sơ thẩm, tại đây, bên bán án ra giá; đến phiên phúc thẩm mới chốt giá với bản án thấp hơn. Còn nếu ông Thọ tiếc tiền, có thể bản án sẽ như cũ.

Ngoài phiên phúc thẩm, Lê Đức Thọ còn có cơ hội xin Chủ tịch nước ân xá. Chạy ân xá cũng là một thị trường béo bở, cho phép cai ngục của Tô Lâm kiếm rất nhiều tiền. Với tài sản nghìn tỷ, ông Thọ có rất nhiều cơ hội để được giảm án. Thông thường, các quan tham ở tù không đến 1/3 thời hạn bản án.

Quan chức ăn tạp như Lê Đức Thọ rất nhiều, nhưng người bị đi tù thì rất ít. Vài chục ông quan bị xộ khám, so với hàng vạn ông “ăn bạo” lớn nhỏ, từ cấp Trung ương đến địa phương, ngày ngày làm tiền người dân, thì ngàn tỷ cũng là con số nhỏ.

Nói chung tham ăn, đục khoét trong chế độ này là chuyện bình thường, còn bị bắt thì mới là chuyện hiếm hoi. Như Lê Đức Thọ, với tài sản nghìn tỷ, thì ở tù chục năm cũng còn lời. Nếu làm việc chân chính, mỗi năm, ông làm sao có thể kiếm được 1 tỷ? Vì vậy, dù có ở tù chục năm, thì vẫn quá lời cho ông và dòng họ.

Trần Chương – Thoibao.de