Ngày 1/12, RFA Tiếng Việt loan tin “Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu bị quốc tế chỉ trích là học của Trung Quốc”.
Theo đó, Quốc hội Việt Nam hôm 30/11 vừa thông qua một loạt các luật và nghị quyết quan trọng, bao gồm Luật Dữ liệu, Luật Điện lực, và Nghị quyết đồng ý xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam trị giá 67 tỷ đô la.
RFA cho biết, Luật Dữ liệu được thông qua với 451/458 phiếu, chiếm 94,15%. Luật mới bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý, trong 4 trường hợp: ứng phó với tình trạng khẩn cấp; nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; thảm họa; phòng, chống bạo loạn, khủng bố.
Theo RFA, quy định này của Luật này đã bị một số các chuyên gia quốc tế chỉ trích. Trang tin Nikkei dẫn nhận định của một số chuyên gia, cho rằng, luật này sẽ bóp nghẹt sáng tạo và làm tăng thặng dư thương mại với Mỹ, vào thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp nhậm chức.
Nikkei dẫn nhận định từ Hiệp hội Công nghiệp truyền thông và máy tính (CCIA), cho rằng, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang lên rất cao, và Hà Nội nên bảo vệ mối quan hệ thương mại này.
RFA dẫn lời ông Jonathan McHale – Phó Chủ tịch của CCIA, đăng trên Nikkei, cho biết, các chính sách cản trở việc chuyển giao dữ liệu, bao gồm các các điều trong luật mới, đang gây nguy hại cho các công ty nước ngoài và nền kinh tế trong nước, vốn phát triển được nhờ sự tham gia từ bên ngoài.
Theo Nikkei, Luật Dữ liệu mới của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định về dữ liệu gần đây của Trung Quốc, tương tự như Luật An ninh mạng trước đó.
Trước đó, ngày 4/11, RFA đã cho hay, Facebook và Google cảnh báo, dự luật về dữ liệu sẽ cản trở các trung tâm dữ liệu và mạng xã hội.
Các công ty công nghệ Hoa Kỳ cảnh báo Chính phủ Việt Nam rằng, dự luật được Bộ Công an thúc đẩy, thắt chặt các quy định về bảo vệ dữ liệu và hạn chế chuyển dữ liệu ra nước ngoài, sẽ cản trở các nền tảng truyền thông xã hội, và nhà điều hành trung tâm dữ liệu phát triển doanh nghiệp của họ, tại Việt Nam.
RFA dẫn lời ông Jason Oxman – Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin, cho biết, dự thảo luật này “sẽ khiến các công ty công nghệ, nền tảng truyền thông xã hội và nhà điều hành trung tâm dữ liệu gặp khó khăn trong việc tiếp cận những khách hàng phụ thuộc vào họ hàng ngày”.
RFA nhận xét, các quy định hiện hành của Việt Nam đã hạn chế việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới trong một số trường hợp, nhưng chúng hiếm khi được thực thi.
Không rõ luật mới, nếu được thông qua, sẽ tác động như thế nào đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
RFA cũng cho biết, trong dự thảo luật mới, các khái niệm “dữ liệu cốt lõi” và “dữ liệu quan trọng” được định nghĩa mơ hồ.
Ông Oxman nói rằng: “Điều đó sẽ cản trở hoạt động kinh doanh của nước ngoài”.
RFA dẫn yêu cầu của dự thảo luật, rằng, các công ty sẽ phải chia sẻ dữ liệu với Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam, và các tổ chức nhà nước, trong nhiều trường hợp được định nghĩa mơ hồ, bao gồm cả trường hợp “hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích công cộng”.
Ông Oxman cho biết thêm, ngành công nghiệp công nghệ Hoa Kỳ đã nêu mối quan ngại với chính quyền Việt Nam, về “việc mở rộng quá mức quyền truy cập dữ liệu của Chính phủ”.
RFA dẫn lưu ý của ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, cho rằng, Luật mới “sẽ gây ra những thách thức đáng kể về tuân thủ đối với hầu hết các công ty tư nhân”. Trong khi, các cuộc đàm phán đang được tiến hành, để thuyết phục chính quyền “xem xét lại quá trình lập pháp vội vã” đối với luật này.
Quang Minh – thoibao.de