Ngày 30/11, RFA Tiếng Việt đăng bình luận “Chiến dịch cắt giảm quốc tang” của blogger Nguyễn Nhơn.
Tác giả cho biết, Việt Nam quy định, chỉ có “Tứ trụ” và cán bộ cấp cao do Bộ Chính trị quyết định – thì khi chết mới được hưởng nghi thức quốc tang. Trường hợp cán bộ cấp cao không thuộc “Tứ trụ” thì từng có ông Võ Nguyên Giáp.
Tác giả mỉa mai, làm gì có lãnh đạo to nào tự nhiên đi xin thôi giữ chức vụ, như ông Huệ, ông Thưởng… Thế nên, phải có cái lý do đằng sau việc này. Chỉ riêng cái lý do được Trung ương Đảng đưa ra, và việc thôi chức theo nguyện vọng, đã vả nhau đôm đốp.
Cụ thể, Đảng bảo, các ông “đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên… và chịu trách nhiệm người đứng đầu… gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”.
Tác giả thắc mắc, tại sao vi phạm trầm trọng đến thế mà lại không xử lý theo pháp luật, lại nhẹ nhàng cho hạ cánh an toàn?
Nếu thượng tôn pháp luật, thì mọi vi phạm của các ông Huệ và Thưởng đều phải xem xét công khai, và thông qua các quy trình luật định, như với mọi công dân khác.
Theo tác giả, cái kết luận tháng 4 (về việc cho thôi chức) còn u u minh minh, không thuyết phục. Có lẽ vì thế mà kết luận tháng 11 sáng tỏ thêm: Kỷ luật 2 ông Huệ và Thưởng do có liên quan đến chống tham nhũng, tiêu cực.
Tác giả bình luận, cảnh cáo là bước đầu, bước đệm, bước thăm dò, hay đã là bước cuối? Chúng ta chưa biết.
Nhưng nhìn hướng gió thì thấy, cổng nhà ông Huệ, ông Thưởng không còn vững nữa, đã lung lay rồi. Dân lắm mồm Việt Nam đồn thổi, phen này thì chết, cách hết, cách tuốt. Tuột luôn cả cái chức nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch nước. Thế nghĩa là, lúc chết thì cũng không được quốc tang, nghĩa là cắt giảm quốc tang đấy.
Tác giả hài hước, Việt Nam là đất nước nghệ thuật, thường xuyên có kịch hay, bất ngờ đến phút chót. Nên cái sự cắt giảm quốc tang này có thật không, chỉ cắt 2 vị, hay còn cắt tiếp, thì cứ bình tĩnh chờ xem.
Nhưng, tác giả đánh giá, tâm lý sùng kính lãnh tụ ở Việt Nam đã suy giảm rất nhiều so với trước. Trên thế giới, có lẽ chỉ có Việt Nam và Bắc Triều Tiên là bị nhồi sọ tâm lý sùng kính lãnh đạo như cha, như ông, như tổ. Việt Nam có cả một đại dương thơ ca nhạc họa kịch phim múa… về chủ đề ca ngợi lãnh tụ.
Cũng chỉ mới đây thôi, công an còn phạt khá nhiều YouTuber, TikToker có nhiều người follow, về cái tội lỡ miệng châm chọc lãnh đạo trên sóng livestream.
Vẫn theo tác giả, trong văn viết chính thống, các lãnh tụ được trang trọng viết hoa chữ “Người”. Còn người dân thì trong bất cứ hành vi tương tác nào với chính quyền, với “quý cơ quan đoàn thể”, cũng đều bắt đầu bằng Kính thưa, Kính xin.
Từ tâm lý kẻ dưới khúm núm, luôn biết ơn lãnh đạo, lãnh tụ, mà giờ dám đem cả các lãnh đạo cao nhất nước ra trào lộng kiểu “chiến dịch cắt giảm quốc tang”.
Tâm lý tôn sùng, thánh hóa lãnh tụ đã suy giảm đến mức, có lẽ, nó sẽ tan biến cùng với sự ra đi của những người đã quá già hoặc quá hạn hẹp trong nhận thức.
Tác giả nhận định, đó là một bước tiến vĩ đại trong nhận thức của người Việt Nam.
Là kết quả của cả một quá trình dài dằng dặc “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nhận thức của không ít người Việt Nam hiện tại. Là kết quả của việc nhìn ra thế giới, đi khắp hoàn cầu, để hình thành nhận thức và ý thức độc lập, chứ không phụ thuộc vào những tài liệu, nghị quyết có mục đích tuyên truyền. Đó, là “tự quan sát, tự suy nghĩ, tự định hướng”.
Tác giả cho rằng, một ngày không xa, ý thức độc lập này sẽ phá tung những rào chắn cuối cùng của sự kìm hãm, độc tài, nhồi sọ, “lề phải”, để nở bung ngập tràn những đóa hoa, vang lộng bầu trời, và tuôn chảy dòng thác dạt dào của trí tuệ và tâm hồn tự do vĩnh viễn.
Ý Nhi – thoibao.de