Ngày 4/12, RFA Tiếng Việt có bài bình luận: “Vì sao Việt Nam vẫn tuyên truyền chống Mỹ?”.
Theo đó, RFA cho hay, một cựu chiến binh Mỹ muốn quay trở lại thăm Việt Nam, để xem hiện giờ đất nước thay đổi ra sao kể từ sau chiến tranh. Nhưng đã ngần ngại thay đổi ý định, khi nghe đến những chiến dịch tuyên truyền chống phương Tây cực đoan trên mạng ở Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là có hay không việc chính quyền Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tuyên truyền chống Mỹ, mặc cho 2 nước đã trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”, và thái độ hằn học với Hoa kỳ sẽ mang lại những hệ lụy gì, trong bối cảnh nước Mỹ đang ngày càng trở nên quan trọng với Việt Nam?
Trao đổi với RFA, cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí cho biết, dưới góc độ là người trong hệ thống, ông thấy “tư tưởng, quan điểm không thiện cảm với nước Mỹ vẫn còn rất nặng nề”.
RFA dẫn lời Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra, từ Úc, nhận định rằng:
“Việc ban hành Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị “Về bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng” cho thấy, chế độ ở Việt Nam “có những nghi ngờ sâu sắc về động cơ thầm kín của Hoa Kỳ”, khi hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy “diễn biến hòa bình” hoặc “cách mạng màu”.”
RFA lưu ý, Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 13/7/2023, của Bộ Chính trị bị rò rỉ, được Dự án 88 công bố, khẳng định rằng:
“Các thế lực thù địch và phản động đã lợi dụng triệt để quá trình hội nhập quốc tế, để tăng cường hoạt động phá hoại, và chuyển đổi chính trị nội bộ, tác động đến việc hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, tạo ra các mối liên kết, phát triển lực lượng, hình thành các liên minh và mạng lưới “xã hội dân sự”, các công đoàn độc lập,… tạo tiền đề cho việc hình thành các nhóm đối lập chính trị trong nước”.
RFA dẫn lời Tiến sĩ Thủy Nguyễn, từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ, cho rằng, Đảng Cộng sản rất sợ “bóng ma” dân chủ. Họ càng không muốn người dân đặt ra những câu hỏi như: nhờ đâu mà Mỹ và Châu Âu lại giàu có, môi trường sạch sẽ, giáo dục tốt như vậy? Việt Nam mình có thay đổi mô hình chính trị và cách quản trị nhà nước để được như vậy không? Bởi vậy, nhà cầm quyền phải thúc đẩy báo chí tuyên truyền tô đậm những điểm tiêu cực trong các xã hội này.
Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer nhận định: “Tuyên truyền chống Mỹ lan truyền trên mạng xã hội Việt Nam là một phần của chiến dịch phối hợp, của lực lượng an ninh và đảng viên, nhằm bảo vệ nhà nước độc đảng của Việt Nam, vào thời điểm Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực hội nhập quốc tế, thông qua việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.
Dù vậy theo Giáo sư Carl Thayer, có nhiều nhược điểm khi tuyên truyền chống Mỹ. Trước nhất, tuyên truyền chống Mỹ, chống phương Tây có thể làm suy yếu mối quan hệ với chính những quốc gia, mà Việt Nam cần hỗ trợ để nỗ lực trở thành một quốc gia phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình khá vào năm 2030, và trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Hay Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu với Việt Nam có một điều khoản dân chủ, trao quyền cho EU đình chỉ một phần hoặc toàn bộ thỏa thuận, một cách đơn phương trong trường hợp bên Việt Nam vi phạm. Giáo sư Carl Thayer cho biết thêm.
Một bất lợi nữa theo Giáo sư Carl Thayer, việc tiến hành tuyên truyền chống Mỹ có thể phản tác dụng đối với thế hệ thanh niên thông minh của Việt Nam, những người đang hoạt động trên mạng xã hội và đã du học, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Sự bất đồng giữa trải nghiệm cá nhân và tuyên truyền của họ, có thể biến họ thành những người hoài nghi chế độ, và tìm kiếm các nguồn thông tin thay thế như Facebook.
Xuân Hưng – thoibao.de