Chiều 4/12, trên trang Facebook cá nhân, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng về việc rút đơn kiện ông Gerard Richard Williams III.
Ca sĩ viết:
“Sau một thời gian suy nghĩ thấu đáo, tôi và ông Gerard Williams đã cùng ngồi xuống, đối thoại cùng nhau, để đi tới quyết định là rút đơn kiện, khẳng định không tái kiện một lần nào nữa, để tránh cho những thông tin tiêu cực và những điều không hay lại xảy ra. Đây là quyết định tôi nghĩ phù hợp nhất, để mang lại sự nhẹ nhàng cho cả đôi bên.”
Đàm Vĩnh Hưng nói thêm:
“Không phải lần quyết định nào trong đời mình cũng đều đúng hết 100%. Và sự nóng giận đã luôn làm con người ta có những quyết định không chính xác, nó hoàn toàn trái ngược với con người thật của mình.”
Đấy chính là lời nhận tội của ca sĩ, ngược với status trước đó, ông hoàn toàn đổ tội cho bên bị đơn.
Thoibao.de từng nhận xét, “không biết Đàm Vĩnh Hưng có rút ra được bài học từ bà Nguyễn Phương Hằng hay không?”
Bà Hằng cũng đã làm sai, mà còn quyết bảo vệ cái sai của mình, cuối cùng bà vẫn phải xin lỗi. Như vậy, Đàm Vĩnh Hưng đã phải lặp lại bước đi của bà Hằng, khi đã sai mà vẫn quyết húc đầu vào dư luận, để cuối cùng cũng phải đầu hàng.
Lời xin lỗi hay những bộc bạch tự nhận sai lầm về mình là cần thiết. Tuy nhiên, để dẫn đến tình huống bế tắc rồi mới buộc phải quay đầu, thì đó không phải là lựa chọn khôn ngoan. Người khôn ngoan là người biết cư xử đúng mực ngay từ đầu, còn kiêu ngạo, tự mãn, dẫn đến việc cố bảo vệ cái sai, đến đường cùng mới chịu quay đầu, là cách làm của người thiếu khôn ngoan.
Dù có bộc bạch thế nào, thì “vết chân” trên hành trình kiện cáo của ca sĩ họ Đàm khó có thể xoá bỏ. Khán giả đã không còn đánh giá Đàm Vĩnh Hưng như trước. Việc hàng loạt bầu show tại Mỹ hủy show, và khán giả thì mất dần, là tình thế mà nam ca sĩ khó có thể đảo ngược.
Việc ca sĩ tự “nghịch dại”, dẫn đến tai nạn khiến ông bị đứt lìa một ngón chân, rồi lại yêu cầu chủ nhà bồi thường đến 15 triệu đô la, đã gây bất bình trong xã hội. Bởi điều này thể hiện rõ, bản chất của nam ca sĩ là không tình cảm, tham tiền, và vô trách nhiệm đối với hành động của mình.
Đối nghịch với sự quá đáng của ca sĩ, là sự bao dung của chủ nhà. Vị tỷ phú chủ nhà chỉ kiện ngược ca sĩ, khi bị ca sĩ kiện một cách phi lý. Cao tay hơn, ông chỉ đòi bồi thường 1 đô tượng trưng và lời xin lỗi của ca sĩ, nếu ông thắng kiện. Việc tỷ phú Gerard Williams III hành xử nhẹ nhàng, cao thượng, càng khiến cho sự lỗ mãng của ca sĩ trở nên nổi bật. Đòn đánh tuy nhẹ nhàng này của chủ nhà, lại gây tác động không hề nhỏ đối với ca sĩ.
Đứng trước sức mạnh cả về lý và về tình của ông Gerard Williams III, Đàm Vĩnh Hưng từ “mặt đỏ như vang” khi hung hăng đòi tiền bồi thường, lại trở nên “vàng như nghệ” khi không thấy cơ hội thắng kiện. Chính vì vậy mà ông đã rút đơn và nhận sai, bởi nếu không, uy tín của ông sẽ giảm không phanh, và còn bị lên án về đạo đức vv…
Đây là bài học không chỉ dành cho người trong cuộc, mà cho cả những người nổi tiếng đang đỉnh cao vinh quang. Đó là, sự thành công của một ca sĩ, có phần không nhỏ của khán giả. Khán giả nâng ca sĩ lên, thì cũng có thể lật nhào ca sĩ. Vì thế, người ca sĩ cần phải giữ mình, cần phải sống đạo đức và tử tế. Thế gian vẫn luôn không thiếu người nghèo mà tử tế, vậy một người có tiền, có danh tiếng, tại sao không làm được điều đó? Không biết, ca sĩ họ Đàm có rút ra được bài học nào không?
Phản ứng của công chúng trong thời gian gần đây cho thấy, xã hội không còn muốn dung nạp những người nổi tiếng, nhưng thiếu sự tử tế, thiếu đạo đức và thiếu nhân cách. Đây là điều đáng mừng.
Thuận đám đông thì sự nghiệp thịnh, nghịch đám đông thì sự nghiệp suy!
Thái Hà – Thoibao.de