Ngày 3/8, sau khi chính thức trở thành người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm đã đưa ra tuyên bố cải cách thể chế, để đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên mới”.
Điều này đã tạo nên một làn sóng “phấn khởi” của số đông dân chúng. Họ tin rằng với tuyên bố của Tổng Bí thư Tô Lâm, lịch sử của dân tộc Việt Nam sẽ bước sang một trang sử mới.
Nhưng kể từ đó đến nay, công luận bắt đầu nghi ngờ khi thấy rằng, ông Tô Lâm chỉ nói chung chung chứ không có bất kể hành động cụ thể. Để chống chế cho sự chậm trễ của Tổng Bí thư, truyền thông nhà nước đã bắt đầu ca bài ca mang tên “Kỷ nguyên Tô Lâm”.
Sự sùng bái lãnh tụ là một hiện tượng chính trị xuất hiện ở các quốc gia có hệ thống chính trị như ở Việt Nam, hay Trung Quốc.
Đánh giá về vai trò và hành động của Tổng Bí thư Tô Lâm, giới phân tích cho rằng, ông là một lãnh đạo thực dụng, ít quan tâm đến lý luận, và đã sớm nhận thấy bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam cần được cải cách, sửa đổi.
Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách của ông gặp phải sự phản đối từ các lãnh đạo cấp cao có tư tưởng bảo thủ, lo ngại quyền lợi và quyền lực của họ bị tổn hại. Theo đó, ông Tô Lâm tham vọng xây dựng một “kỷ nguyên mới”, với tuyên bố, “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã ngay lập tức phải đối mặt với sự chống đối từ các thành phần lãnh đạo cấp cao “bảo thủ” thân Trung Quốc trong nội bộ của Đảng. Họ cáo buộc ông Tô Lâm đã nhân danh “cải cách” để đưa Đảng Cộng sản Việt Nam đi chệch hướng con đường Chủ nghĩa xã hội.
Đây chính là lý do, sau hơn 5 tháng trên cương vị Tổng Bí thư, công cuộc cải cách của ông Tô Lâm vẫn dậm chân tại chỗ. Theo giới phân tích, với tình trạng như hiện nay, từ nay đến hết quý 1 năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn không thể loại bỏ được hoàn toàn các lực cản trong nội bộ của Đảng.
Có nhiều ý kiến vẫn tiếp tục nghi ngờ, liệu ông Tô Lâm có thể tạo nên một cái gọi là “kỷ nguyên mới” cho đất nước và dân tộc Việt Nam hay không? Nguyên nhân là các tuyên bố của ông Tô Lâm chỉ mang nặng tính khẩu hiệu, và thiếu nội dung cụ thể về cải cách thể chế. Cho dù ông Tô Lâm đã thừa nhận, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, nhưng cũng không thể đưa ra được những giải pháp rõ ràng.
Theo giới phân tích, “kỷ nguyên Tô Lâm” mang tính đột phá nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro. Kỷ nguyên mới của ông Tô Lâm được đánh dấu bằng những nỗ lực cải cách, và củng cố quyền lực của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức từ nội bộ và các yếu tố bên ngoài, nhất là các áp lực từ Trung Quốc. Điều đó sẽ tác động lớn đến các chính sách cải cách của ông Tô Lâm.
Bên cạnh đó, sự ủng hộ của các phe cánh còn lại trong Đảng là yếu tố quan trọng, để thực hiện công cuộc cải cách, tiến đến một kỷ nguyên mang tên Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nếu những yếu tố này không được cân bằng, “kỷ nguyên Tô Lâm” có thể gặp khó khăn, thậm chí đối mặt với nguy cơ thất bại. Câu trả lời sẽ rõ ràng tại Đại hội 14, nhưng những bước đi hiện tại của ông sẽ quyết định rất lớn đến kết quả cuối cùng.
Cải cách thể chế là một bước đi không chỉ nhằm củng cố quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm, mà còn định hướng lại sự vận hành của cả hệ thống chính trị, cũng như sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Có ý kiến cho rằng, sau Hội nghị Trung ương “bất thường” ngày 25/11 vừa qua, ông Tô Lâm buộc phải từ bỏ chủ trương“cải cách thể chế”, và quay sang mục tiêu “tinh gọn” hệ thống chính trị. Vậy tương lai của “Kỷ nguyên Tô Lâm” sẽ đi về đâu?
Trà My – Thoibao.de