Võ công Tô Tổng cao thâm đến đâu? Tay vung kiếm tay viết thư pháp?

Những ngày gần đây, báo chí liên tục đăng bài về chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước. Có vẻ như, ông Tô Lâm đang rất quyết tâm. Với bộ máy tuyên truyền khổng lồ, chính sách này được nhiều ngòi bút của báo quốc doanh ca ngợi.

Chuyện tinh gọn bộ máy nhà nước không phải mới đây mới đề cập, vấn đề này đã được nói đến từ lâu, qua nhiều đời tổng bí thư. Nhưng đến nay, bộ máy nhà nước chỉ phình ra, chứ chẳng tinh gọn được.

Chế độ Cộng sản Việt Nam là một dạng phong kiến trá hình. Cha làm quan thì con cũng làm quan – đó là một thứ luật bất thành văn. Ngày nay, chuyện con cái lãnh đạo lại làm lãnh đạo không có gì là bí mật nữa. Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đến 2 người con tham gia vào bộ máy chính quyền; ông Nguyễn Xuân Phúc có 1 người con, vv… Không chỉ con cái, các quan chức còn nhét cả cháu chắt, đàn em… vào bộ máy rất nhiều. Hơn nữa, thế hệ con cái thường đông hơn thế hệ cha mẹ, nên việc bộ máy nhà nước phải phình to ra, là điều đương nhiên.

Con trai ông Tô Lâm cũng tham gia vào bộ máy chính quyền. Không những thế, ông Tô Lâm còn đưa rất nhiều đàn em vào các vị trí trọng yếu, như vậy, bộ máy không phình ra mới lạ.

Có thể thấy, ông Tô Lâm nói một đường nhưng làm một nẻo.

Thật ra, chuyện tinh gọn bộ máy nhà nước là bất khả thi. Bộ máy này nuôi béo quan chức bằng tham nhũng, nên tất nhiên, quan chức phải tranh thủ đưa con cái dòng họ vào, để cùng nhau vơ vét. Vì vậy, việc tinh giảm sẽ động chạm đến quyền lợi của rất nhiều quan chức, từ Trung ương đến địa phương.

Ông Tô Lâm là võ tướng, ông đoạt lấy ngai vàng bằng vũ lực, và tất nhiên, ông giữ ngai vàng cũng bằng vũ lực. Như vậy, nếu ông vừa ra chủ trương cải cách, tinh gọn bộ máy nhà nước, vừa ra tay đánh dẹp các “đồng chí” bằng hồ sơ đen, thì chẳng khác nào ông đang dùng cả 2 tay, một tay vung kiếm, một tay viết thư pháp.

Liệu ông có ổn định tinh thần để viết được bức thư pháp này hay không?

Việc liên tục hạ nhau trên vũ đài chính trị, cho thấy bức tranh hiện thực trong nội bộ Đảng. Khi nội bộ đang chia rẽ trầm trọng, thì sẽ không thể đạt được sự thống nhất, để thực hiện một chính sách lớn như tinh gọn bộ máy chính quyền.

Một số ý kiến cho rằng, chính sách tinh gọn bộ máy nhà nước của Tô Lâm, rất có thể chỉ nhằm mị dân. Nếu không mị dân, thì đây là một chính sách thiếu thực tế.

Trong quá khứ, cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh từng rất mạnh miệng, khi tuyên bố, sẽ đưa Việt Nam “cơ bản thành nước công nghiệp tiến bộ” vào năm 2020. Kết quả ra sao thì đã rõ. Những chính sách có tính chất cải tiến, cải cách, để theo kịp thế giới văn minh tiến bộ, Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ làm được, nguyên nhân thất bại chính là thể chế chính trị.

Việc đánh đấm trên võ đài chính trị, dễ hơn nhiều so với việc thực hiện các chính sách cải cách một cách bài bản. Đánh nhau chỉ cần binh hùng tướng mạnh, thâm hiểm, gian xảo, và độc ác. Còn thực hiện cải cách thì cần tài quản trị, tầm nhìn chiến lược, và cả năng lực của đội ngũ dưới quyền vv… Giới lãnh đạo Cộng sản không có khả năng, và bộ máy chính quyền bên dưới cũng không đủ năng lực để đáp ứng cho một cuộc cải cách toàn diện.

Trong tình hình cấp bách và phức tạp hiện nay, việc ông Tô Lâm làm, chỉ là tung thêm đòn hiểm, để tống hết những “di sản” do ông Trọng để lại, rồi nhét đàn em thân tín vào thay thế. Có lẽ, ông Tô Lâm không dại mà chiến với “hai tay hai kiếm”, cũng chẳng có tay nào để viết “thư pháp”.

Khi mới lên Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã thực hiện một số động thái có tính “dân túy”, và nhận được những đánh giá tích cực. Tuy nhiên, với bản chất “quân phiệt”, ông không thể cứ “dân túy” mãi.

Việc Tô Lâm lên cầm quyền là bắt đầu cho một thời loạn không hồi kết.

 

Trần Chương – Thoibao.de