Ngày 12/12, blog Gió Bấc trên RFA Tiếng Việt bình luận “Bao che tội phạm dâm ô, đã thành truyền thống!”
Tác giả nhắc lại việc Cảnh sát New Zealand đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Việt Nam, về vụ 2 nhân viên an ninh Việt Nam tấn công tình dục 2 phụ nữ ở New Zealand, từ tháng 3/2024; cũng như vụ tấn công tình dục của Thượng tá cận vệ tại Chile.
Tác giả đánh giá, việc bao che tội phạm này đã trở thành một truyền thống!
Hành vi của các quan chức an ninh tại New Zealand, không phải là bộc phát cá nhân, mà có thể là sự tính toán, sắp đặt của nhiều người. Mức độ phạm tội cũng nghiêm trọng, gây ra những thương tích thể xác và tinh thần khiến các nạn nhân phải đi bệnh viện và tố cáo sự việc với cảnh sát.
Tác giả nêu vấn đề: Không rõ, Đại sứ quán Việt Nam có báo cáo lại với nhà nước hay không? Không rõ Bộ Ngoại giao có thông báo đến các cơ quan có trách nhiệm hay không? Ngành an ninh có chấn chỉnh nội bộ hay không? Nếu có, có thể đã ngăn ngừa được nỗi ô nhục Chi Lê.
Tác giả đặt câu hỏi: Vì sao như vậy?
Nhìn lại thực trạng sinh hoạt, lối sống của quan chức Việt Nam, chừng như, việc xâm phạm tình dục phụ nữ đã thành bình thường, thành trò giải trí. Việc bao che, dung dưỡng cho các quan chức vi phạm cũng là việc bình thường.
Tác giả đề cập đến một số vụ việc nghiêm trọng, như:
Năm 2016, Uỷ ban Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), điều động 21 nữ giáo viên trẻ đi tiếp khách là các quan chức, doanh nghiệp, ở các nhà hàng, karaoke.
Năm 2022, nữ Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Lan thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, thường xuyên chỉ đạo một số nữ giáo viên đi uống rượu, tiếp khách trong các buổi tiệc tùng của quan chức địa phương. Bản thân Hiệu trưởng có quan hệ bất chính với 1 chủ tịch xã.
Ghê rợn hơn, năm 2008 – 2009, Hiệu trưởng Sầm Đức Xương ở Hà Giang đã mua dâm các nữ sinh vị thành niên, đồng thời biến 2 em Hằng và Thúy từ nạn nhân thành tội phạm môi giới mại dâm. Tội ác tày trời như vậy nhưng chỉ bị xử 9 năm tù.
Năm 2018, ở Thái Bình nổi lên vụ Thượng tá Công an tỉnh cùng 3 người khác, hiếp dâm nữ sinh 14 tuổi suốt 2 ngày đêm. Nhưng Công an Thái Bình lại khởi tố tội danh rất nhẹ, khiến dư luận phẫn uất và phản đối rất mạnh mẽ. Vì nhóm đối tượng đã “lên kế hoạch” từ trước, khi đưa nạn nhân đi ăn nhậu, thuê khách sạn, rồi rủ bạn bè giao cấu tập thể.
Tồi tệ hơn nữa, tác giả nhắc đến vụ Hội Nhà văn Việt Nam thăng chức cho kẻ hiếp dâm.
Lương Ngọc An bị 2 phụ nữ tố cáo hiếp dâm, là nữ nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh.
Tuy nhiên, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam không hề kết luận vụ việc, công an cũng không thụ lý, sau đơn tố cáo với bằng chứng rõ ràng của bà Dạ Thảo Phương.
Tác giả cho rằng, vụ việc nếu được điều tra và kết luận là có thật, thì phải bị xử lý hình sự. Thế nhưng, sau 2 năm im lặng, ngày 8/12, Lương Ngọc An được Hội Nhà văn bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, cũng thuộc Hội này.
Giới trí thức, văn nghệ sĩ đã phản ứng dữ dội về sự bao che này.
Nhưng bất chấp dư luận, ông Chủ tịch Hội Nhà văn vẫn im lặng. Tội phạm Lương Ngọc An vẫn đàng hoàng phục chức.
Thế đó, tác giả kết luận, bao che cho quan chức phạm tội hiếp dâm đã thành truyền thống của xứ sở thiên đường. Truyền thống ấy bắt đầu từ xa xưa, từ vụ án giết người bị xóa dấu vết, bịt đầu mối, chỉ còn lại tiếng vọng và hậu quả, được nhà văn Vũ Thư Hiên nhắc đến trong hồi ký “Đêm giữa ban ngày”.
Cần nói rõ thêm, vụ việc mà tác giả ám chỉ này, là vụ Công an Việt Nam, đứng đầu là cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đã giết bà Nông Thị Xuân – người vợ không chính thức của ông Hồ Chí Minh, vào năm 1957.
Hoàng Anh – thoibao.de