Ép Phan Văn Giang “vào rọ”, bài toán khó của Tổng bí thư Tô Lâm!

Ngày 8/4, tại Hà Nội, ông Phan Văn Giang  đã chủ trì hội nghị lãnh đạo Bộ Quốc phòng về tổ chức quân sự địa phương sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện. 

Tại đây ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, tham mưu sắp xếp các Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh theo các tỉnh được sáp nhập, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ.

Đây được xem như là sự thất bại của Phan Văn Giang trước những quyết định cứng rắn của Tô Lâm. Cuối cùng Phan Văn Giang đã phải thực hiện chính sách do Tô Lâm đưa ra.

Được biết, khi Tô Lâm mới ra chính sách, ông Phan Văn Giang đã từng phản pháo lại. Ông nói với Tô Lâm rằng:

“Nhưng mà lực lượng vũ trang thua một chỗ một mét là chết ấy. Và đề nghị Tổng bí thư cho chúng tôi nghiên cứu cho nó kỹ. Mà lực lượng vũ trang, quân đội cũng còn cấp huyện kia mà. Chúng tôi cũng còn nghiên cứu. Nói thật với các đồng chí chúng tôi cũng rất bình tĩnh đấy. Bởi vì chúng tôi, nhiệm vụ nó khác lắm. Nói xin lỗi các đồng chí chứ chúng ta thua một canh bạc kinh tế thì chúng ta có thể gỡ lại được. 10 đề án này chúng tôi thắng 7 thua 3 vẫn là dương, vẫn ăn. Kể cả thắng 3 thua 7 mà cộng vào dương vẫn là phát triển. Nhưng mà lực lượng vũ trang mà thua 1 chỗ 1 mét là chết ấy. Báo cáo với các đồng chí cũng phải tính rất là kỹ. Rất mong các đồng chí sốt ruột. Tôi cũng thấy trách nhiệm cũng ấy nhưng mà tôi cũng báo lên tổng bí thư và đề nghị cho chúng tôi nghiên cứu cho nó kỹ”.

Dù có nghiên cứu thế nào, cuối cùng ý kiến của ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng bị “vứt sọt rác”, chỉ có mệnh lệnh của Tô Lâm là tối thượng.

Về chính sách chung, Tô Lâm áp dụng cho tất cả mọi địa phương và mọi bộ ban ngành thì Phan Văn Giang không thể viện bất kỳ lý do gì để thoái thác. Tuy nhiên, trong vấn đề quốc phòng nói riêng, những chính sách mang tính đặc thù của ngành thì dường như Tô Lâm không ảnh hưởng gì nhiều, Phan Văn Giang vẫn có quyền sinh quyền sát trong Bộ Quốc phòng. Đặc biệt là việc bổ nhiệm nhân sự và thăng quân hàm cấp tướng trong Bộ quốc phòng, Phan Văn Giang vẫn là người có tiếng nói quyết định rất lớn.

Như vậy có thể thấy, Tô Lâm đang muốn gò ép Phan Văn Giang vào khuôn khổ thì Tô Lâm cũng không dễ để buộc ông Bộ trưởng luôn tuân thủ mọi quyết sách của ông. Trong Bộ Quốc phòng, sức ảnh hưởng của Tô Lâm có giới hạn vì trong đó còn có tiếng nói của Lương Cường và Phan Văn Giang.

Nếu không có gì bất thường thì đến Đại hội 14 đầu năm 2026, ông Phan Văn Giang sẽ rút vì lý do sức khỏe, người thay thế được dự trù là Nguyễn Tân Cương-Đại tướng. Ông Cương được lên đại tướng cùng một lượt với ông Lương Tam Quang sau khi có sự thỏa thuận giữa phe Tô Lâm và phe Phan Văn Giang. Một lần nữa ông giang cần một đàn em thân tín trám vào ghế mình để không phải gặp nguy như ông Nguyễn Chí Vịnh.

Muốn kiểm soát quân đội, cách hay nhất là Tô Lâm đưa tướng Hoàng Xuân Chiến lên thay. Muốn vậy phải tìm cách loại trừ Nguyễn Tân Cương nhưng xem ra không dễ, bởi ông Nguyễn Tân Cương đang nắm trong tay quyền lực rất lớn. Chức Tổng tham mưu trưởng quân đội đã cho Nguyễn Tân Cương  khả năng có thể tự mình bảo vệ mình trước các thế lực khác.

Nếu không phải là người Hưng Yên thì tướng Hoàng Xuân Chiến không có cơ hội. Tuy nhiên, được sự đỡ đầu của Tô Lâm thì tướng Chiến hiện nay cũng được xem là một ứng viên nặng ký. Còn khoảng 8 tháng nữa cuộc tranh giành sẽ ngã ngũ, đợi xem phe Tô Lâm sẽ làm thế nào để loại được phe Phan Văn Giang? Chính trường sẽ hứa hẹn nhiều bất ngờ trong thời gian tới.

Trần Chương -Thoibao.de