Bà Thuỷ là luật sư, có bằng thạc sĩ luật, có 10 năm từ 1986 đến 1996 là giảng viên về luật tại trường hành chính tỉnh Nghệ An, trường Quản lý Nhà nước tỉnh Nghệ An, trường Chính trị tỉnh Nghệ An. Bà từng kinh qua các chức vụ đòi hỏi khối kiến thức quản trị, nội chính tổng hợp như phó tổng thanh tra chính phủ, phó chủ nhiệm uỷ ban Kiểm tra trung ương, đại biểu QH, bí thư tỉnh uỷ Hà Nam.
Với bề dày như vậy tất nhiên bà thừa có kiến thức về dân số một tỉnh ở VN có thể là bao nhiêu, nên có thể khẳng định rằng, việc bà nói tỉnh Quảng Trị có số dân là 1 tỷ 800 ngàn ai cũng có thể cảm nhận rằng không do bà non kém kiến thức tối thiểu, mà là sự cố liên quan đến thói quen hoặc liên quan đến sự vận hành não bộ xuất hiện có vấn đề.
Không tự mình chuẩn bị sự kiện mình tham gia mà lười biếng hoặc vô trách nhiệm uỷ thác cho trợ lý. Nếu tự mình có trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu trước sự kiện mình tham gia thì không cần phải chúi mũi đọc tham luận như cái máy, dễ dẫn đến sơ suất vội vàng không kiểm soát được khi như cái máy đọc “một triệu”thành “một tỷ”. Chính vì không tự mình trách nhiệm với sự kiện nên sự cố “một triệu”thành “một tỷ”trở nên quá hài hước khó cứu vãn. Vấp là chuyện bình thường. Nhưng tự mình có trách nhiệm với sự kiện không lười biếng để mình thành cái máy đọc thì khi vấp- đọc nhầm “một triệu dân”thành con số “một tỷ dân”lập tức biết mình sai ngay và lập tức khôn ngoan bảo vệ danh dự của mình là xin lỗi và đọc lại ngay thì sự cố không trở nên nghiêm trọng nữa.
Vâng. Đây không phải do bà Thuỷ dốt đến nỗi không có kiến thức cơ bản dân số một tỷ hay một triệu mà do bà Thuỷ bao năm ở vị trí “trông xuống phán xét”và quá nhiều sự kiện phải tham dự nên mắc thói quen ỷ lại trợ lý chuẩn bị bài phát biểu chỉ đạo, rồi biến mình thành cái máy đọc không còn năng lực hiểu rõ mình đọc cái gì nữa, sai đúng ra sao nữa.
Tinh gọn bộ máy ư? Nên chăng cần ngăn chặn những ông bà quan đã hoặc đang trở thành cái máy đọc vô hồn này?
Lưu Trọng Văn