Đầu tháng 7/2025, hàng loạt hộ dân trên cả nước đã phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 6 bất ngờ tăng vọt, có trường hợp tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi cho dù lượng tiêu thụ vẫn không đổi.
Sự việc này đang khiến dư luận phẫn nộ, và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã yêu cầu cần phải kiểm tra để làm rõ nguyên nhân. Nhưng trên thực tế, EVN vẫn giải thích chung chung theo điệp khúc là do thời tiết nắng nóng và do giá điện tính theo bậc thang lũy tiến.
Tuy nhiên, công luận vẫn đặt lại câu hỏi về tính minh bạch trong vận hành và quản lý ngành điện. Đây là là lĩnh vực mà EVN đang nắm độc quyền tuyệt đối theo lối “một mình một chợ”.
Theo mô hình hiện hành, EVN là doanh nghiệp Nhà nước vừa sản xuất, truyền tải, phân phối, vừa quản lý công tơ, tự ghi số điện, và thậm chí đề xuất phương pháp tính giá.
Trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh điện không có cạnh tranh, không có cơ quan giám sát độc lập, và người tiêu dùng không có quyền lựa chọn, thì việc lạm quyền của EVN là hệ quả tất yếu.
Sự kiện hóa đơn tăng bất thường lần này không phải lần đầu của EVN từng gây bão dư luận. Từ nhiều năm qua, mô hình độc quyền ngành điện đã được cảnh báo là nguyên nhân dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả, và thiếu minh bạch. Nhưng cho đến nay, chưa có nỗ lực cải cách thực chất nào được tiến hành.
Điều khiến công luận càng thêm thất vọng, dù Tổng Bí thư Tô Lâm đang chủ trương “cải cách toàn diện”, nhưng các tập đoàn của nhà nước vẫn kinh doanh độc quyền như EVN vẫn là “vùng cấm” trong tư duy cải tổ.
Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là: Tổng Bí thư Tô Lâm có dám xóa bỏ cơ chế độc quyền của EVN hay không, và đây là một phép thử thực chất cho quyết tâm cải cách theo xu hướng minh bạch?
Đã đến lúc, cải cách không thể chỉ là thay đổi mô hình hệ thống chính trị, hay tên gọi cơ quan nhà nước. Bởi cải cách chỉ có ý nghĩa khi nó bắt đầu từ nơi mà người dân thực sự cảm nhận như hóa đơn tiền điện họ nhận hàng tháng.
Và không thể để tiếng kêu oan từ hàng triệu hóa đơn tiền điện vẫn sẽ tiếp tục rơi vào khoảng trống vô vọng?
Hồng Lĩnh – Thoibao.de