Tháng này, hàng loạt hộ dân cả nước tá hoả khi hóa đơn tiền điện tăng vọt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi dù mức tiêu thụ không đổi. Trong bối cảnh giá cả leo thang, thu nhập sụt giảm, hiện tượng này không chỉ gây bức xúc mà còn đặt ra nghi ngờ lớn về tính minh bạch của ngành điện.
EVN – doanh nghiệp duy nhất được cung cấp điện trên cả nước lại tiếp tục né tránh trách nhiệm, không công khai công thức tính giá, không có đơn vị kiểm tra độc lập, và hoàn toàn không cho người dân lựa chọn thay thế. Đây là biểu hiện điển hình của độc quyền tuyệt đối.
Trớ trêu thay, chỉ mới đây, ông Tô Lâm với tư cách Tổng Bí thư đã ký ban hành Nghị quyết 68, khẳng định tư nhân phải trở thành “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 khu vực tư nhân chiếm 55–58% GDP, nhấn mạnh xóa bỏ cơ chế “xin–cho”, giảm rào cản pháp lý, và không hình sự hóa quan hệ kinh tế một cách cực đoan.
Nếu thật sự muốn chống độc quyền, tại sao không bắt đầu từ EVN – nơi đang tồn tại như một “con voi trong phòng”, sống ngoài mọi cơ chế giám sát thị trường? Một mặt nói tư nhân không được phép thao túng, nhưng mặt khác lại dung dưỡng cho một doanh nghiệp nhà nước thao túng toàn bộ đời sống dân sinh?
Người dân không cần thêm những tuyên bố hùng hồn, mà cần hành động cụ thể: kiểm toán EVN độc lập, công khai quy trình tính giá, và từng bước mở cửa thị trường điện cho cạnh tranh. Đó mới là cách thiết thực để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 68 xây dựng một nền kinh tế thị trường công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Muốn chống độc quyền đúng nghĩa – phải dẹp bỏ đặc quyền của EVN trước tiên.
Thu Phương – Thoibao.de