Ngày 30/11, blog Hoàng Trường trên VOA Tiếng Việt bình luận “Hội nghị Trung ương “đánh đố”: Toan tính của Tổng Bí thư Tô Lâm trước Đại hội XIV?”
Theo tác giả, “Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII” – như cách nêu trên truyền thông chính thống – đã thu hút sự quan tâm đặc biệt, không chỉ bởi cách thức tổ chức với tốc độ làm việc chớp nhoáng; mà còn bởi những toan tính chính trị tiềm ẩn phía sau.
Phong cách điều hành “vừa chạy vừa sắp hàng” của ông Tô Lâm thể hiện một kiểu quản lý dứt khoát, mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ.
Tác giả cho biết, chỉ trong vòng 1 tuần, từ cuộc họp tổng kết Nghị quyết 18 ngày 19/11, đến Hội nghị Trung ương lần này, cả hệ thống các bộ, ngành, cục, vụ, viện… trở nên “náo loạn”.
Sáng 25/11, Trung ương đã tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 18, với các đề xuất tinh giản bộ máy, động chạm đến hơn 15 cơ quan Trung ương. Một số nguồn tin nội bộ cho biết, kế hoạch này không đơn thuần dừng lại ở giảm biên chế, mà còn đề xuất sáp nhập hoặc giải thể một số bộ ngành, tạo nên cú sốc lớn trên chính trường Ba Đình. Cụ thể, sáp nhập Ban Đối ngoại vào Bộ Ngoại giao; gộp Ban Kinh tế với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; sáp nhập Ban Tuyên giáo với Ban Dân vận…
Tác giả cũng cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, các sáp nhập phải hoàn thành trước quý I năm 2025, tốc độ này mang tính quyết liệt bất thường. Nhiều ý kiến cho rằng, đây không đơn thuần là sự cải cách hành chính, mà còn là chiến thuật nhằm củng cố quyền lực, loại bỏ các đối thủ trước thềm Đại hội XIV. Một minh chứng rõ nét là việc cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị kỷ luật ngay trước Hội nghị.
Tác giả đánh giá, việc phá vỡ “bức tường vô hình” vốn được coi là lá chắn bảo vệ các thành viên “Tứ trụ”, là một bước ngoặt lớn trong chính trường Việt Nam. Động thái mạnh tay này của ông Tô Lâm, thể hiện quyết tâm xây dựng quyền lực tuyệt đối của ông. Hội nghị Trung ương lần này là một bước đi chiến lược, nhằm củng cố đội ngũ thân tín của ông trước Đại hội XIV. Đây được cho là mô hình quyền lực mà ông đã áp dụng thành công và muốn nhân rộng lên quy mô toàn quốc.
Vẫn theo tác giả, trước những đề xuất cải cách rộng lớn, nhằm thu hẹp quy mô chính quyền, cả ở Trung ương lẫn địa phương, giới phân tích hoài nghi tính khả thi của nó.
Việc tinh giản không dễ dàng, đặc biệt khi ông Tô Lâm đang đối mặt với sự phản kháng âm ỉ từ các thế lực trong nội bộ Đảng, nổi bật là nhóm Nghệ An. Sự mâu thuẫn không chỉ dừng lại ở khía cạnh tranh cá nhân, mà còn phản ánh các xung đột vùng miền và phe phái chính trị sâu sắc.
Nếu ông Tô Lâm không xử lý khéo léo, sự bất mãn có thể lan rộng, trở thành một thách thức nghiêm trọng.
Tác giả nhận xét, Hội nghị Trung ương này là cơ hội để ông Tô Lâm thúc đẩy kế hoạch tái cơ cấu bộ máy, và xây dựng mạng lưới nhân sự trung thành.
Những nhân vật đến từ quê nhà Hưng Yên và các đồng sự tại Bộ Công an, ngày càng chiếm giữ các vị trí chiến lược trong hệ thống. Điều này tạo nên một mạng lưới quyền lực khép kín, vừa bảo vệ Tô Lâm trước các đợt phản công chính trị, vừa củng cố vị thế trong nội bộ Đảng. Động thái phục hồi hình ảnh của các nhân vật từng bị lu mờ, như Đinh Thế Huynh, cũng được cho là một chiến lược nhằm thu phục nhân tâm và giảm bớt bất mãn trong nội bộ.
Tuy nhiên, tác giả cho rằng, sự xuất hiện ngày càng rõ của các dấu hiệu bất tuân từ nhóm quân đội, đặc biệt là dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch nước Lương Cường, đang tạo nên thách thức mới. Việc tập trung quyền lực quá mức của ông Tô Lâm có thể dẫn đến mất cân bằng trong hệ thống, khiến các nhóm bị loại bỏ cảm thấy bị cô lập, và từ đó, gia tăng nguy cơ phản kháng ngầm, khi họ cảm thấy không còn gì để mất.
Tác giả đặt câu hỏi, liệu ông Tô Lâm có thể duy trì được thế thượng phong trong giai đoạn đầy bất trắc này hay không. Từ nay đến Đại hội XIV, chính trường Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc đấu đá quyền lực khó lường, mở ra một giai đoạn chính trị mới với đầy thách thức lẫn cơ hội đối với nỗ lực cải cách thể chế mà ông Tô Lâm đang theo đuổi.
Hoàng Anh – thoibao.de