Trong các phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tinh gọn bộ máy nhà nước. Đồng thời ông đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong quý 1 năm 2025.
Ông Tô Lâm cũng nhấn mạnh rằng, đây là một cuộc cách mạng nhằm tạo sự thay đổi, do đó các đơn vị, và địa phương phải chủ động, triển khai nhiệm vụ theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc đã đề ra.
Công luận cho rằng, việc cải cách bộ máy cần được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả, tránh tình trạng hình thức, làm cho có, hay nói đâu bỏ đấy. Đây là điều thể hiện quyết tâm của ông Tô Lâm trong việc cải cách hệ thống chính trị.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng việc tinh gọn bộ máy không chỉ dừng lại ở việc giảm số lượng cơ quan, đơn vị, mà còn phải cải cách toàn diện, kể cả việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong bộ máy, phải đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo giới quan sát, việc tinh gọn bộ máy nhà nước mặc dù là chủ trương đã được Tổng Bí thư Trọng, cùng với Nghị quyết 18 khởi xướng từ năm 2017. Nhưng với kết quả đạt được hoàn toàn không khả quan, bộ máy nhà nước và số lượng công chức, viên chức vẫn tiếp tục phình to.
Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm có thể sẽ gặp nhiều thách thức và khó đạt được kết quả như mong muốn. Việc tinh gọn bộ máy không chỉ đơn thuần là sắp xếp lại tổ chức, mà còn đòi hỏi một cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động.
Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cần thay thế “chiếc áo rách” của hệ thống quyền lực hiện tại bằng một cấu trúc mới, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Điều đó có liên quan đến vấn đề đoàn kết thống nhất, giữa các lãnh đạo của bộ máy đảng cũng như Nhà nước. Nếu tập thể lãnh đạo đoàn kết thống nhất cao thì việc khó cũng thành dễ. Ngược lại nội bộ chia rẽ mất đoàn kết thì việc dễ vẫn khó có thể thành công.
Nhiều ý kiến trong nội bộ Đảng, nghi ngờ động cơ tinh gọn hệ thống chính trị của Tổng Bí thư Tô Lâm, khi cho rằng công cuộc này có thể được sử dụng như một thủ đoạn để loại trừ các đối thủ chính trị, và nhằm đưa nhân sự thân tín vào vị trí quan trọng hàng đầu.
Ngoài ra, lợi ích cá nhân, và tình trạng “chạy chức, chạy quyền” sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn, để được ở lại, và tiếp tục được ngồi vị trí có nhiều bổng lộc sau công cuộc tinh giản.
Đó là chưa kể đến cái gọi là “sức ì” trong bộ máy nhà nước. Đây là hệ quả của việc tinh gọn bộ máy, sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các lãnh đạo, và khoảng 3 triệu nhân sự trong hệ thống hiện nay. Đặc biệt là các nhân sự “con ông, cháu cha”, hoặc những người đã mất một khoản tiền không nhỏ để mua những vị trí béo bở.
Những điều vừa kể cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm khả năng sử dụng cải cách như một công cụ chính trị loại bỏ đối thủ, khiến cho mục tiêu cải cách thực chất trở nên khó khăn hơn. Nếu thất bại, nỗ lực tỉnh gọn bộ máy có thể trở thành điểm yếu, bị đối thủ chính trị lợi dụng.
Việc tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ là một phép thử quan trọng đối với Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng thời còn là thách thức chung đối với toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam, trong việc đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Do vậy, khả năng cao, việc tinh gọn bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm có thể chỉ dừng lại ở những tuyên bố “hào nhoáng” mà không có kết quả cụ thể.
Trà My – Thoibao.de