Vì sao xử lý Nguyễn Xuân Phúc là một quyết định rất khó khăn đối với Tổng Bí thư Tô Lâm?

Ngày 3/12, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã “bất ngờ” đưa ra tuyên bố: “Cũng là lần đầu tiên Bộ Chính trị xử lý kỷ luật, cảnh cáo đối với cán bộ chủ chốt của Đảng. Không có gì dừng lại mà phải tiếp tục”.

Tuy rằng ông Tô Lâm không nhắc cụ thể đến nhân vật nào, nhưng người ta nhớ ngay đến 2 trường hợp. Đó là cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người vừa bị kỷ luật cảnh cáo, và ông Võ Văn Thưởng bị gọi tên nhưng chưa bị xử lý vì đang điều trị bệnh.

Việc Tổng bí thư Tô Lâm tuyên bố như trên được đánh giá là sự cảnh báo, không chỉ với đối với các cựu lãnh đạo cao cấp, mà còn là sự răn đe đối với các cá nhân và tổ chức trong nội bộ Đảng, đã và đang có sự liên kết để chống lại người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị khởi tố, bắt giam. Mạng xã hội lập tức nhắc tên cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – cấp trên của ông Dũng. Ngay lập tức, công luận đã đổ dồn sự chú ý lên cựu Chủ tịch nước.

Ông Bảy Phúc – một lãnh đạo hàng “Tứ trụ” đã bị buộc từ chức vào tháng 1/2023, sau khi nhận trách nhiệm về những sai phạm của cấp dưới, trong các vụ bê bối tham nhũng. Gần đây, đã xuất hiện các tin đồn xoay quanh việc ông Bảy Phúc, và người thân trong gia đình bị cáo buộc nhận hối lộ và rửa tiền, trong các vụ án lớn như vụ Việt Á và Vạn Thịnh Phát.

Theo giới thạo tin, số phận chính trị của ông Nguyễn Xuân Phúc cho đến nay vẫn chưa được định đoạt rõ ràng. Tuy nhiên, việc cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – người tưởng như đã được hạ cánh an toàn, nhưng mới đây, lại bị kỷ luật cảnh cáo, đã cho thấy ông Phúc chưa thực sự được an toàn.

Nếu ông Tô Lâm tiến hành xử lý đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, điều này sẽ phá vỡ tiền lệ trước đây, tứ trụ được “kim bài miễn tử”, tức là được “hạ cánh an toàn” sau khi bị buộc rời khỏi chức vụ. Động thái này sẽ khẳng định, công cuộc chống tham nhũng của ông Tô Lâm sẽ thực sự không có “vùng cấm, bất kể người đó là ai”, ngay cả với những người từng đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.

Theo giới phân tích, nếu điều đó xảy ra, sẽ đánh dấu lần đầu tiên một cựu thành viên “Tứ trụ” bị xử lý ở mức độ này. Điều này gửi thông điệp mạnh mẽ rằng, ngay cả những quan chức cấp cao nhất cũng không nằm ngoài tầm ngắm của chiến dịch chống tham nhũng.

Tuy nhiên, việc xử lý hình sự ông Phúc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chính trị Việt Nam. Bởi lý do, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dù đã rời chức vụ, vẫn có ảnh hưởng thông qua các mối quan hệ và liên kết chính trị với các phe nhóm trong Đảng. Việc xử lý ông cũng có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực giữa các nhóm chính trị, đặc biệt khi Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng 14 vào đầu năm 2026.

Mặt khác, Tổng Bí thư Tô Lâm có lẽ đang sử dụng chiến thuật “mèo vờn chuột” đối với ông Bảy Phúc. Bộ Công an của ông Tô Lâm, thông qua các nguồn thạo tin, thỉnh thoảng tiết lộ các tin đồn. Đây được xem như một cách tạo áp lực, buộc ông Nguyễn Xuân Phúc phải nhượng bộ, hoặc hợp tác trong công cuộc thâu tóm quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Việc xử lý đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, không chỉ thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, mà còn là phép thử quan trọng đối với Tổng Bí thư Tô Lâm, về quyền lực cũng như vị thế chính trị của ông trong Đảng.

Những điều kể trên cho thấy, việc truy cứu hình sự đối với ông Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, là một quyết định hết sức khó khăn đối với ông Tô Lâm trong lúc này.

 

Trà My – Thoibao.de