Ngày 1/12, báo chí nhà nước đăng tin, Đại tướng Phan Văn Giang chỉ đạo diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu 7.
Đáng nói là, cùng tham gia với ông Phan Văn Giang, có Đại tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông Cương được cho là phương án dự phòng, trong trường hợp ông Giang gặp trở ngại. Nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, ông Giang bị bệnh gan nặng đến nỗi phải thay gan, có thể, ông sẽ không thể tiếp tục làm việc trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được nữa.
Ông Cương được cho là người thân cận với ông Giang từ nhiều năm qua, từ khi ông Giang còn là Tổng tham mưu trưởng, cho đến bây giờ. Mỗi lần lên chức, ông Giang đều giới thiệu ông Cương làm người thay thế ở cương vị cũ. Ông Cương lên Đại tướng cùng lúc với Lương Tam Quang, được xem là sự thỏa thuận, phân chia quyền lực giữa Phan Văn Giang và Tô Lâm.
Quân khu 9 được xem là “sân nhà” của ông Ba Dũng, xem như thuận theo Tô Lâm. Còn lại Quân khu 5 và Quân khu 7, vẫn đang là mục tiêu giành giật giữa phe Tô Lâm và phe Phan Văn Giang.
Mỗi quân khu trong quân đội đều là một “sứ quân”, các phe phái đang tranh giành ảnh hưởng, để củng cố quyền lực cho phe mình.
Ngày 3/12, trên mạng xã hội lan tràn tin tức không chính thức về vụ nổ tại Trường bắn Quốc gia khu vực 3 (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) thuộc Quân khu 7, khiến nhiều binh lính thiệt mạng. Vụ nổ này bị cho là có nhiều nghi vấn.
Mãi đến ngày 4/12, báo chí nhà nước mới được lệnh đưa tin về vụ nổ khiến cho 12 binh sĩ tử nạn này.
Đáng chú ý, lý do mà báo chí đưa ra, là do “sét đánh” vào kíp nổ, khiến khối thuốc nổ bị nổ tung. Tuy nhiên, người dân cư trú gần đó cho biết, trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 4, họ không nghe thấy tiếng sấm hay nhìn thấy tia sét nào trong khu vực. Hơn nữa, miền Nam lúc này chuyển sang thời tiết se lạnh, không còn sấm sét nữa.
Như vậy, có thể hiểu, lý do “sét đánh vào kíp nổ”, là một lý do bịa đặt, được vẽ ra để che giấu sự thật.
Vậy sự thật là gì?
Trên mạng xã hội, hầu hết là không tin rằng, tai nạn trên là do sét đánh trúng ngòi nổ. Có người nhận xét: “Nguyên tắc chỉ khi nào cài đặt xong khối thuốc nổ vào vị trí, thì mới đặt kíp nổ vào thuốc nổ. Nên không có việc sét đánh vào kíp nổ gây kích nổ, khi nhóm công binh trên đường đi đặt thuốc nổ và nghỉ giải lao. Tuyên giáo Đảng lừa dân rồi”.
Có ý kiến cho rằng, vụ nổ xảy ra là do sự bất cẩn của những người lính. Hoặc có ý kiến cho rằng, nghiệp vụ của người lính kém, chứng tỏ, việc huấn luyện quân đội của Bộ quốc phòng là không đạt. Nói chung, có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng không mấy ai chấp nhận lý do “thiên tai”, mà đều cho là do con người gây ra.
Ngoài những luồng ý kiến nói trên, cũng có ý kiến nghiêng về thuyết âm mưu, khi cho rằng, ông Phan Văn Giang và ông Nguyễn Tân Cương bị mưu sát bất thành. Trò chơi của thượng tầng chính trị, đã đem sinh mạng của binh lính trở thành “vật tế thần”.
Hiện vẫn chưa có nguồn tin nội bộ nào xác nhận về hành vi mưu sát. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng này. Bằng suy luận, có thể loại bỏ nguyên nhân sét đánh gây ra vụ nổ, nhưng cũng không thể khẳng định đây là một âm mưu ám sát.
Nhưng, dù vì lý do nào, thì vụ nổ khiến 12 binh lính thiệt mạng này, cũng nói lên sự thối nát, tệ hại của chính quyền. Nếu binh lính thao tác sai kỹ thuật, thì rõ ràng, chất lượng nghiệp vụ của người lính có vấn đề lớn. Đây là thảm họa của thảm họa, vì một đội quân gồm những người lính kém cỏi, thì làm sao đội quân đó có thể hùng mạnh?
Còn tệ hơn, nếu đây thực sự là một âm mưu ám sát, thì nó cho thấy, mức độ mâu thuẫn trong nội bộ giới lãnh đạo cấp cao sâu sắc như thế nào. Như vậy, họ làm sao có thể lãnh đạo đất nước tiến lên? Làm sao có thể xây dựng một lực lượng vũ trang hùng mạnh?
Thái Hà – Thoibao.de