Đảng Cộng sản Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm có sự chia rẽ hay không?

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trước Hội Cựu chiến binh, kêu gọi 3 triệu hội viên chủ động phòng chống các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, đồng thời kêu gọi các hội viên cần phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đáng chú ý, tại đây, ông Tô Lâm có nhắc lại khái niệm “kỷ nguyên mới”, điều mà ngay từ khi nhậm chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm nhiều lần nói đến.

Điều vừa kể cho thấy, ông Tô Lâm đã gián tiếp thừa nhận tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng đang là những trở ngại của công cuộc cải cách. Đồng thời cũng phản ánh, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thiếu sự đồng thuận. Thậm chí, sự chia rẽ do mâu thuẫn từ các cá nhân và các phe cánh cũng nghiêm trọng hơn.

Theo giới phân tích quốc tế, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại sự chia rẽ, và mâu thuẫn giữa các phe phái. Các chiến dịch chống tham nhũng và điều chỉnh nhân sự cấp cao thường mang động cơ chính trị, nhằm củng cố quyền lực cho một số cá nhân hoặc phe cánh.

Theo Tiến sĩ Bill Hayton, chiến dịch “đốt lò” hay chống tham nhũng luôn mang theo yếu tố chính trị nội bộ, nhằm loại bỏ các đối thủ và củng cố quyền lực. Đồng quan điểm, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, sự chia rẽ trong nội bộ Đảng xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích giữa các phe nhóm kinh tế và chính trị, vốn được tạo dựng từ lâu. Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định rằng, chiến dịch chống tham nhũng nhằm mục đích duy trì kỷ luật, và đạo đức trong bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các vụ án tham nhũng trước đây như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu…, hay mới nhất như vụ Đại học Fulbright Việt Nam, là những biểu hiện rõ nhất về việc đấu đá quyền lực trong nội bộ của Đảng.

Những vụ bắt giữ quan chức cấp cao đầu năm 2024 cho đến nay, không chỉ làm giảm uy tín Đảng mà còn gây ra lo ngại về bất ổn nội bộ. Từ đó đã dẫn đến sự suy yếu của các phe nhóm quyền lực, ví dụ như, phe Quảng Nam của ông Nguyễn Xuân Phúc, hay phe Nghệ An của ông Vương Đình Huệ.

Do mâu thuẫn giữa các cá nhân cũng như các phe phái, nên các quyết định lớn của Đảng và nhà nước thường bị trì hoãn, dẫn đến sự chậm trễ trong những quyết sách lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, việc cải cách “thể chế”, tháo dỡ các điểm nghẽn của Tổng Bí thư Tô Lâm không thể tiến triển được là một ví dụ.

Sự tồn tại của các phe phái trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam chia thành 2 phe chính. Đó là vấn đề khác biệt về tư tưởng, giữa cái gọi là phe bảo thủ và phe cải cách.

Phe bảo thủ luôn nhấn mạnh việc duy trì các giá trị xã hội chủ nghĩa, và kiểm soát chặt chẽ về quan điểm chính trị. Ở chiều ngược lại, phe cải cách chủ trương ủng hộ việc mở cửa kinh tế và hội nhập quốc tế với các quốc gia phương Tây.

Tổng Bí thư Tô Lâm được xem là đại diện cho phe cải cách, trong khi Chủ tịch nước Lương Cường được coi là đại diện cho phe bảo thủ trong Đảng. Ông Lương Cường là người có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, từng theo học bồi dưỡng cán bộ cao cấp tại Trung Quốc trong 2 năm.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thường phủ nhận sự mất đoàn kết trong nội bộ Đảng. Nhưng việc cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng thừa nhận tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, là một cách gián tiếp thừa nhận tình trạng phe cánh trong nội bộ Đảng.

Tóm lại, truyền thông quốc tế và các chuyên gia thường nhận định rằng, trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn tồn tại các phe cánh và các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng thường phủ nhận, đồng thời nhấn mạnh vào sự đoàn kết và thống nhất trong nội bộ.

 

Trà My – Thoibao.de