Sự khác biệt trong chính sách đối ngoại dưới thời Tô Lâm

Ngày 5/12, Diễn đàn VOA Tiếng Việt có bài bình luận: “Những khác biệt về đối ngoại triều Tô Lâm” của Đinh Hoàng Thắng.

Theo đó, tác giả cho biết, tính thực dụng cao hơn khi triển khai chính sách, sự chủ động trong giải quyết các thách thức khu vực, và quyết tâm khẳng định vị thế trên trường quốc tế đã làm nên bộ “3 hơn” nổi bật. Nếu cùng điều hợp với phương hướng “6 hơn”, trong bang giao Việt – Trung, các chủ trương của Tô Lâm mở ra hướng đi tiềm năng mới cho ngoại giao Việt Nam, vừa duy trì sự ổn định, vừa đặt nền móng cho những bứt phá trong tương lai.

Ngày 2/12, Trưởng ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung đã gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Washington. Cuộc gặp này không chỉ tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” giữa Việt Nam và Mỹ, mà còn thể hiện cam kết chung trong việc duy trì khu vực “Ấn Thái Dương tự do, cởi mở và ổn định”.

Tác giả cho biết thêm, Việt Nam đã tận dụng cơ hội, để gửi đi những thông điệp chiến lược tới Mỹ, và thế giới trước khi chính quyền Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng.

Thông điệp đầu tiên dẫu không nói ra, là khẳng định vai trò trung tâm của Đảng Cộng sản trong điều hướng chính sách đối ngoại. Thông điệp thứ hai là nỗ lực thúc đẩy “Đối tác Chiến lược Toàn diện” Việt – Mỹ, vốn đã được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định qua chuyến công tác ở Mỹ vào tháng 9/2023.

Cuối cùng, chuỗi hoạt động ngoại giao dày đặc của ông Tô Lâm tại cả Tây Bán Cầu và Á – Âu vào năm ngoái, đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ, khẳng định vai trò Việt Nam trong bối cảnh quyền lực quốc tế bị đảo lộn.

Cả 3 thông điệp trên đều gắn liền với chuyến thăm Mỹ của Trưởng Ban Đối ngoại, là bước đi chiến lược chuẩn bị cho cả cơ hội lẫn thách thức trong năm 2025 – cột mốc kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

Tác giả nêu ví dụ sự kiện Tập đoàn Trump đầu tư tại Hưng Yên, quê hương của Tổng Bí thư Tô Lâm, không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn tạo động lực chính trị quan trọng, như một “đòn bẩy” cho dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam.

Tác giả nhấn mạnh, “Ngoại giao kinh tế” “ngoại giao biển đảo” là 2 trụ cột quan trọng trong định hướng đối ngoại của Tổng Bí thư Tô Lâm. Tổng Bí thư không chỉ tận dụng các diễn đàn quốc tế, để khẳng định lập trường của Việt Nam, mà còn tích cực thúc đẩy đầu tư nước ngoài, tăng cường hợp tác kinh tế, và tìm kiếm cơ hội mới để nâng cao vị thế quốc gia.

Tác giả cho hay, về vấn đề Biển Đông, đây là thách thức nhạy cảm mà mọi đời Tổng Bí thư đều phải xử lý. Việc các bên vừa nâng cấp quan hệ Việt Nam – Malaysia lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, và các thỏa thuận hợp tác song phương về Biển Đông là minh chứng rõ nét. Những sáng kiến này không chỉ giúp quản lý và giảm thiểu căng thẳng trong khu vực, mà còn định vị Việt Nam như một quốc gia trung tâm tại Đông Nam Á, và một đối tác đáng tin cậy trên trường quốc tế. Dù chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng cách tiếp cận quyết đoán và thực dụng của Tổng Bí thư Tô Lâm đang mở ra những cơ hội lớn để nâng cao vị thế của Việt Nam.

Tuy nhiên, tác giả nhận định, thách thức không hề nhỏ! Việt Nam cần duy trì sự ổn định trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt là giữa các cường quốc đang có nhiều mâu thuẫn lợi ích. Sự cạnh tranh Mỹ – Trung, tình hình căng thẳng ở Biển Đông, và những bất ổn trong hệ thống tài chính toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Hơn nữa, yêu cầu cải cách nội tại cũng là một bài toán lớn.

Tác giả kết luận, tựu trung, “kỷ nguyên mới” mang đến cho Việt Nam cơ hội lịch sử để khẳng định vai trò, và vị thế trên trường quốc tế. Chỉ khi tận dụng tốt các nguồn lực và vượt qua thách thức, Việt Nam mới có thể viết tiếp câu chuyện phát triển bền vững trong giai đoạn đầy biến động này. Dù khó khăn còn nhiều, “kỷ nguyên Tô Lâm” mở ra những triển vọng đáng kể, để Việt Nam củng cố vị thế quốc gia.

 

Xuân Hưng – thoibao.de