Tô Lâm càng lạm kiếm, càng có hậu không tốt

Giờ này, người dân đã không còn hoan hỷ với việc “củi” bị cho vào “lò” như trước.

Đã 8 năm qua, kể từ khi “lò” được khởi xướng bởi ông Nguyễn Phú Trọng, nay được chuyển sang tay Tô Lâm. “Lò” đốt Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch Hà Nội, rồi đưa Chu Ngọc Anh lên thay. Nhưng ông Ngọc Anh cũng chẳng sạch hơn ông Chung. Tương tự, bao nhiêu nhân sự khác được bố trí thay thế vào những vị trí của những người bị “rụng”, nhưng cũng chẳng có ai trong sạch. Bởi nếu trong sạch, thì họ lấy gì để làm giàu?

Mâm cỗ được làm từ mồ hôi và nước mắt của 100 triệu dân, được bày lên bàn tiệc dành riêng cho Đảng. Để từ đó, các phe phái nổi lên cắn xé lẫn nhau, đánh nhau đến mức “thuốc” lẫn nhau, nhưng không bên nào chùn bước. Kẻ nào cũng chỉ chăm chăm bốc hốt thật nhiều, trước khi bị đá văng khỏi bàn tiệc. Kẻ cầm kiếm trên tay thì vung túi bụi, hạ hết người này sang người khác, cốt chỉ để giành lấy phần nhiều về mình.

Vì miếng ăn trên mâm quyền lực này quá béo bở, nên Tô Lâm bất chấp. Bằng 8 năm âm thầm xây dựng lực lượng Hưng Yên trong Bộ Công an, Tô Lâm đã biến thanh kiếm của chế độ thành thanh kiếm của riêng mình. Nay ở vị trí Tổng Bí thư đầy quyền lực, cùng với việc đàn em thân tín Lương Tam Quang nắm giữ Bộ Công an, Tô Lâm vung gươm khắp nơi để giành ăn cho phe cánh của mình.

Người nào trong giới lãnh đạo cũng tham ăn, mà trên bàn ăn này lại không có luật lệ, chỉ có luật rừng. Kẻ có dao dùng dao, kẻ có gươm dùng gươm, kẻ không có vũ khí thì dùng tay không vv… Như vậy, rõ ràng, kẻ dùng có lợi thế là kẻ dùng gươm dao, và người “chịu thiệt” là những người “tay không”.

Võ đài chính trị Việt Nam hiện nay đang phân cực rõ rệt. Phe Tô Lâm – hay còn gọi là phe Hưng Yên, đang là phe mạnh nhất, vì Tô Lâm có trong tay thanh kiếm “Bộ Công an”.

Nếu ví Bộ Công an như “thanh kiếm”, thì Bộ Quốc phòng chẳng khác nào “thanh đao”. Do đó, chỉ có phe quân đội mới có khả năng cân bằng quyền lực với Tô Lâm, các phe còn lại thì gần như bất lực. Những trận chiến giữa Tô Lâm và Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, hay Trương Thị Mai vv… đều là những trận đấu giữa kẻ có kiếm và những người tay không.

Tuy nhiên, vì lạm dụng thanh kiếm trong tay, nên Tô Lâm đã gây thù chuốc oán với rất nhiều phe phái khác. Đấy chính là mối nguy tiềm ẩn đối với ông. Hiện nay, các phe khác vừa sợ, vừa căm giận, vừa hận ông. Đây chính là kho thuốc nổ khổng lồ, đang ngày càng tích tụ dưới chân ngai vàng của ông vua Đảng họ Tô.

Ông Nguyễn Phú Trọng chết đi, để lại một di sản đáng sợ – đó là một Đảng Cộng sản hỗn độn, với quá nhiều phe phái hận thù nhau sâu sắc. “Cái lò” ông để lại, nay chỉ là công cụ dùng để “thịt” nhau giữa các “đồng chí”, nhằm tranh phần hơn trên mâm cỗ quyền lực mà thôi.

Khi Tô Lâm đã dùng vũ lực để cướp ngôi, thì không thể có chuyện ông dùng đức trị để giữ ngôi. Đối với ông lúc này, chỉ có thể sử dụng hết công suất của Bộ Công an để giữ ghế. Dùng Bộ Công an lập càng nhiều hồ sơ đen càng tốt, để kiểm soát chính trường. Đó là cách duy nhất cho Tô Lâm.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã thiết lập nên sức mạnh tuyệt đối cho bản thân, trong khoảng 7 năm. Tuy nhiên, ông Trọng không sử dụng thanh kiếm của chế độ mạnh mẽ, quyết liệt như ông Tô Lâm. Với ông Trọng, Bộ Công an chỉ là công cụ hỗ trợ cho Ban Bí thư.

Ông Tô Lâm lại không thể làm như ông Trọng. Ông buộc phải khai thác hết sức mạnh của Bộ Công an, để ổn định quyền của mình. So với ông Trọng, Tô Lâm đáng sợ hơn nhiều.

Tuy nhiên, “bạo lực Cách mạng” luôn là con dao 2 lưỡi. Khi toàn Đảng bất mãn, ông Tô Lâm khó có thể chỉ dựa vào thanh kiếm trong tay, để chiến với “biển người” của Đảng, bởi lúc đó, kết cục của ông khó mà “tốt đẹp”.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de