Bối cảnh hiện nay giữa phe cải cách của Tô Lâm và phe bảo thủ của Lương Cường

Giới phân tích quốc tế quan tâm đến tình hình chính trường và nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đưa ra nhận xét đáng lo ngại. Trái ngược với sự cởi mở của ông Tô Lâm trong chuyến công du Hoa Kỳ, cũng như trong các tuyên bố liên quan đến Biển Đông, nhiều lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam vẫn coi Trung Quốc và Nga là những người bạn tin tưởng nhất, là những đồng minh đáng tin cậy.

Từ đó có những suy đoán cho rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm rất khó có thể kiểm soát được quyền lực trong nội bộ Đảng, trong khi đó phe bảo thủ thân Trung Quốc được cho là vẫn đang làm chủ tình hình chính trường tại thời điểm hiện nay.

Việc giữ vững và đảm bảo an ninh chính trị của quốc gia là những ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Đảng là vấn đề “diễn biến hòa bình”, cũng như các thách thức do các thế lực thù địch từ bên ngoài. Đây là lý do, vì sao nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam muốn xích lại gần hơn với Bắc Kinh và Moscow, đồng thời tránh xa các nền dân chủ phương Tây. Theo giới phân tích, Đảng Cộng sản Việt Nam duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga bởi nhiều lý do lịch sử, chính trị và kinh tế. Trung Quốc và Nga đều là những cường quốc và có quan hệ lịch sử lâu đời với Việt Nam.

Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về hệ tư tưởng và mô hình chính trị. Cả hai đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo và theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, quan hệ Việt Nam và Nga có mối quan hệ truyền thống từ thời Liên Xô cũ. Liên Bang Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam. Quan hệ quốc phòng với Nga giúp Việt Nam nâng cao năng lực phòng thủ trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam dựa vào Trung Quốc và Nga là các quốc gia có mô hình chính trị độc đoán, nhằm duy trì quyền lực. Đồng thời làm đối trọng giúp Việt Nam tránh bị cô lập hoặc chịu áp lực quá mức từ Mỹ, cũng như các quốc gia phương Tây.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện quan điểm tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong chuyến công du Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 9/2024, ông Tô Lâm nhấn mạnh:

“Quan hệ hai nước có được ngày hôm nay là bởi Việt Nam và Hoa Kỳ đã tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau là quan trọng nhất.”

Điều này cho thấy, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang tồn tại song song 2 xu hướng chính trong chính sách đối ngoại. Một bên ưu tiên quan hệ với Trung Quốc và Nga, bên kia hướng tới việc tăng cường hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo thuộc phe “bảo thủ” trong Đảng cho rằng, việc duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc là cần thiết để bảo vệ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, và ổn định an ninh chính trị. Trong khi các nhà lãnh đạo thuộc phe “cải cách” của Tổng Bí thư Tô Lâm tin rằng, việc mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ, và các nước phương Tây, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, và tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Biển Đông có nhiều tranh chấp, việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ được xem như một cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Theo giới phân tích, mối quan hệ giữa 2 nhân vật hàng đầu là Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng Bí thư Tô Lâm hiện nay, được mô tả là rất căng thẳng và có mâu thuẫn đáng kể. Đây là lý do, Tổng Bí thư Tô Lâm chưa nhất thể hóa, và thâu tóm quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam thành công.

 

Trà My – Thoibao.de