Vì sao Tổng Bí thư Tô Lâm ủng hộ Hoa Kỳ nhưng Ban Tuyên giáo vẫn quyết liệt chống Mỹ?

Việt Nam đang hưởng lợi rất nhiều từ Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực kinh tế cũng như quốc phòng, sau khi 2 nước trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Đặc biệt sau chuyến công du của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Hoa Kỳ trong tháng 9/2024.

Tuy nhiên, một bộ phận lãnh đạo Việt Nam có thái độ không thân thiện, tỏ ra hằn học và cay cú với chuyến đi của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Hoa Kỳ. Điều đó sẽ mang lại những hệ lụy lớn, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên quan trọng với Việt Nam.

Ngay trong chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Tô Lâm, chính quyền Bắc Kinh được cho là đã tỏ ra hết sức cay cú. Việc Trung Quốc đã cho bắn thử một hỏa tiễn xuyên lục địa về phía Hoa Kỳ, trước cuộc trao đổi giữa Tổng thống Joe Biden với Tổng Bí thư Tô Lâm, là một ví dụ.

Trong khi đó, nội dung bài nói chuyện của ông Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hoa kỳ về “những người bạn Mỹ” trong Cách mạng Tháng 8, đăng trên báo Tuổi trẻ, đã bị Ban Tuyên giáo Trung ương cắt bỏ một đoạn sau khi đăng.

Cũng như mới đây nhất, việc Chủ tịch nước Lương Cường mượn Diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Peru, có những phát biểu chỉ trích tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều đó cho thấy, chủ trương chống Mỹ và thân Trung Quốc của một bộ phận không nhỏ giới chức lãnh đạo bảo thủ ở Việt Nam hiện nay.

Theo giới phân tích quốc tế, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang tồn tại những quan điểm khác nhau về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Một số lãnh đạo cấp cao thuộc phe “bảo thủ” thân Trung Quốc lo ngại rằng, việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ có thể dẫn đến “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Những lãnh đạo này thường ủng hộ việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, và có xu hướng thận trọng trong việc mở rộng quan hệ với các quốc gia phương Tây.

Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị là một minh chứng. Theo đó, Chỉ thị 24 nhắm đến vai trò của chính phủ nước ngoài, các cơ quan viện trợ và các tổ chức phi chính phủ, trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, cải cách chính trị. Đây được cho là những “thế lực thù địch” tìm cách hỗ trợ các nhóm và cá nhân tại Việt Nam tiến hành “các cuộc cách mạng màu”.

Cũng như việc, Lực lượng 47 được thành lập vào năm 2016 bởi Tổng cục Chính trị của Quân đội Việt Nam, với mục đích tiến hành cuộc chiến trên không gian mạng, để bảo vệ chế độ, thông qua chủ trương chống Mỹ và phương Tây trên mạng xã hội.

Trong những nhân vật bảo thủ, có thái độ chống Mỹ triệt để, phải kể đến Đại tướng Lương Cường. Ông là một trong những nhà lãnh đạo được cho là có quan điểm thân Trung Quốc. Trước khi được bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 10/2024, ông Cường đã có chuyến thăm Trung Quốc và gặp gỡ Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong cuộc gặp này, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh việc thực hiện “nhận thức chung” giữa 2 Đảng, và thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy có yếu tố Trung Quốc trong việc sắp xếp nhân sự thượng tầng Việt Nam.

Bên cạnh Đại tướng Lương Cường, phải kể đến Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Ông Nghĩa cũng được xem là có vai trò quan trọng trong việc định hướng tư tưởng chống Mỹ và ủng hộ mối quan hệ Việt – Trung.

Những điều kể trên là dấu hiệu cho thấy, một bộ phận lãnh đạo cấp cao trong Đảng, đã và đang nỗ lực chống lại công cuộc cải cách của Tổng Bí thư Tô Lâm.

 

Trà My – Thoibao.de