Vì sao cơ bắp hơn, nhưng phe quân đội lại không thành công như Tô Lâm?

Hiện nay có đồn đoán cho rằng, các phe phái trong quân đội đang nỗ lực liên kết với nhau, để hình thành nên một thái cực mới, cân bằng với phe công an của Tô Lâm.

Tô Lâm dùng công thức quyền lực “Tứ trụ + vũ trang”, mà cụ thể là “Tổng Bí thư + Công an”. Với vị trí Chủ tịch nước thuộc về ông Lương Cường, phe quân đội cũng đang nhắm tới công thức “Tứ trụ+ vũ trang”. Tuy nhiên, sự gắn kết giữa Chủ tịch nước và người đứng đầu Bộ Quốc phòng vẫn còn yếu.

Việc phe quân đội được cho là liên kết với nhau, với mục đích nhằm kiềm chế Tô Lâm, và cũng là để giành thêm phần trong miếng bánh quyền lực ở thượng tầng chính trị. Chính vì sự cạnh tranh gay gắt giữa 2 lực lượng vũ trang này, nên rất có thể, trong thời gian tới, Bộ Chính trị sẽ có thêm nhiều tướng quân đội và công an tham gia.

Tướng quân đội ngày một đông, có đến hơn 400 người, nên sự cạnh tranh nội bộ ngày một gay gắt. Cũng chính vì tướng đông ở công an và quân đội, nên nhiều người trong đó đã tách khỏi môi trường quân sự, chuyển sang lĩnh vực dân sự. Đấy là những ngã rẽ tương tự như cách ông Phạm Minh Chính đã làm, và đã thành công. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đi theo con đường như vậy.

Quân đội và công an đã cạnh tranh trong suốt nhiều năm, dẫn đến cả 2 bên cùng lạm phát tướng tá. Thông thường, số lượng tướng lĩnh quân đội trong Trung ương Đảng và trong Bộ Chính trị nhiều hơn công an. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn của phe quân đội. Tuy nhiên, từ khi ông Tô Lâm lên làm Bộ trưởng Công an, phía quân đội trở nên lép vế hẳn.

Vì sao?

Bộ Quốc phòng là Bộ nhận ngân sách Trung ương lớn nhất, đến hơn 7 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Đương nhiên, Bộ Quốc phòng cũng nhiều Vũ khí hơn Bộ Công an. Ngoài ra, quyền lực dành cho các tướng lĩnh quân đội cũng rất lớn. Chỉ có Bộ Quốc phòng mới có riêng hệ thống tư pháp, đủ cả 3 cơ quan tố tụng, gồm điều tra, công tố và tòa án. Như vậy, Bộ Quốc phòng như một “quốc gia” riêng, là quốc gia nhỏ bên trong quốc gia lớn.

Những điều trên cho thấy, đáng lẽ, cơ hội cho các thế lực trong Bộ Quốc phòng nắm quyền cao hơn. Vậy mà, họ phải chịu lép vế trước phe công an.

Theo luật, Tổng Bí thư cũng là Bí thư Quân ủy Trung ương. Về mặt Đảng, Tổng Bí thư vẫn là sếp cao nhất trong quân đội. Ấy vậy mà, suốt 13 năm làm Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, không có một ông Bộ trưởng Quốc phòng nào được Tổng Trọng tin tưởng.

Ngay trong Quân ủy Trung ương, sự thống nhất đã không có, thì lấy đâu ra sức mạnh?

Bộ Quốc phòng mạnh về cơ bắp, nhưng thực tế, ý chí tập thể của họ không mạnh. Có thể thấy, Bộ Quốc phòng đã rệu rã từ bên trong, từ thượng tầng lãnh đạo đến cấp cơ sở.

Ngược lại, Bộ Công an dưới thời Tô Lâm đã rất thống nhất. Bộ trưởng Bộ Công an cũng chính là Bí thư Đảng ủy Công an, đó là yếu tố giúp họ có toàn quyền quyết định về mặt Đảng. Trên thực tế, trong suốt 8 năm làm Bộ trưởng Công an, Tô Lâm gần như toàn quyền quyết định những chính sách về mặt Đảng, trong Đảng ủy Công an.

Giờ đây, Tô Lâm đoạt được ghế có quyền lực cao nhất trong Đảng. Phe quân đội nhận ra, họ đã thất thế so với công an, nên vội vã hành động. Chủ tịch nước Lương Cường được cho là đang có những bước đi gần với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang hơn, tuy nhiên, có vẻ như đã muộn.

Phe quân đội với ngân sách khổng lồ, tướng tá đông hơn, số lượng uỷ viên Trung ương Đảng đông hơn, nhưng vẫn không thể bằng phe công an. Có lẽ, điều này chỉ tóm gọn ở một từ “sự đoàn kết” – công an đoàn kết, còn quân đội thì không. To xác nhưng rời rạc thì không thể lớn mạnh được.

 

Thái Hà – Thoibao.de