Chính sách tinh giản biên chế là một mũi tên bắn trúng 2 mục đích.
Đích thứ nhất là lấy lòng dư luận, bởi bao lâu nay, người dân đã chán ngán bộ máy cồng kềnh, ngốn nhiều ngân sách, mà làm việc không hiệu quả.
Đích thứ 2 là nhắm vào đối thủ, bởi Tô Lâm hô hào tinh giảm hầu hết các ban ngành, trừ Bộ Công an. Ngay cả Ban Bí thư – nơi được xem là “nhà” của Tổng Bí thư, cũng bị Tô Lâm cho tinh gọn một cách mạnh mẽ.
Bộ Công an là nơi Tô Lâm đã làm chủ, và xây dựng suốt 8 năm ròng rã. Tại đây, gần như không còn nhóm nào có thể phát triển, mà đứng ngoài hệ sinh thái quyền lực của Tô Lâm. Cũng còn đó những nhân tố không thuộc hệ thống quyền lực của ông, tuy nhiên, họ đã bị khống chế và vô hiệu hoá hoàn toàn. Ví dụ như Tướng Trần Quốc Tỏ.
Trong khi đó, tại Ban Bí thư, dấu ấn của Tô Lâm chưa sâu đậm. Phần lớn nhân sự trong cơ quan này, vẫn là người của ông Trọng cài cắm lại. Cho nên, việc tinh giản bộ máy là cách thanh lọc những tàn dư của ông Trọng một cách nhanh nhất. Có lẽ, phải mất nhiều năm mới có thể thanh lọc hết.
Ngoài ra, các cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương cũng bị Tô Lâm cho thanh lọc mạnh mẽ. Được biết, địa phương là nơi ươm mầm nhân sự cho các phe phái ở Trung ương. Thanh lọc ngay từ địa phương, chính là cách “diệt cỏ ngay khi nó nảy mầm”, đỡ phải vất vả chống đỡ về sau.
Như vậy, với chính sách tinh gọn này của ông Tổng Bí thư, các phe phái khác đã và đang bị tổn thương nghiêm trọng. Quyền lợi của họ bị đe dọa, quyền lực bị suy yếu. Tuy nhiên, ai là người dám đứng lên đòi lại công bằng, từ chính sách “bất công” này? Trong lúc, Bộ Công an vẫn tăng tướng tăng tá, vẫn tăng ngân sách vv…
Ngày 11/12, ông Lương Cường – Chủ tịch nước, cùng Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc – người thuộc phe Nghệ An, đến Bộ Công an để làm việc về vấn đề “tinh giản biên chế”. Đáng nói là, ông Lương Cường lại sốt sắng thúc dục Bộ Công an thực hiện tốt chính sách của Tô Lâm.
Rõ ràng, chính sách tinh gọn bộ máy là đòn hiểm mà Tô Lâm tung ra để diệt trừ các phe đối lập. Tuy nhiên, ông Lương Cường lại dùng ngay đòn hiểm này, để tung ngược vào Bộ Công an. Vậy nên, rất khó để ông Lương Tam Quang nói không với chính sách này. Bởi đây là chính sách của chính sếp của ông Quang đưa ra.
Trước mắt, chưa thấy Bộ trưởng Quang phản ứng, ông vẫn bình thản đón nhận lời chỉ đạo của Chủ tịch nước.
Có lẽ, trong thời gian tới, ông Tô Lâm sẽ chỉ đạo ông Quang dùng “hồ sơ đen” để áp lực nhằm thanh lọc những người không cùng phe với ông. Những người không thuận theo, mà vẫn còn ẩn nấp trong Bộ Công an, thì sẽ bị nhổ trước.
Đặc biệt, chính sách này có thể nhổ được cây gai khó chịu đối với Tô Lâm, chính là Trần Quốc Tỏ đang ngồi ghế Thứ trưởng Thường trực.
Ông Lương Cường thuộc phe quân đội, chính ông đã dựa vào Bộ Quốc phòng, để giành chức Chủ tịch nước từ tay Tô Lâm. Khi làm điều này, Lương Cường đã tự xác định, ông là đối thủ của Tô Lâm. Cộng thêm việc, trong chuyến đi Chile tháng trước, ông Lương Cường đã “kéo bè kết cánh” với Phan Văn Giang, Phạm Ngọc Hùng, và Trần Công Chính, thì xem như, ông đã không có đường lùi.
Khi đã đối đầu với Tô Lâm, thì phải quyết làm cho tới bến.
Lần này, ông Cường “kéo quân” đến trụ sở Bộ Công an, cùng với đại diện của phe Nghệ An là Hồ Đức Phớc. Nghệ An lại là phe chính trị đông quân nhất hiện nay ở Trung ương Đảng. Lần trước, ông Cường “kéo bè kết cánh” với những nhóm khác trong quân đội. Lần này, ông lại bổ sung lực lượng bằng cách “kéo bè kết cánh” với nhóm Nghệ An.
Xem ra, ông Lương Cường đang quyết “ăn thua đủ” với ông Tổng Bí thư người Hưng Yên hiện nay.
Dù đang ngồi ở chiếc ghế lỏng lẻo nhất trong “Tứ trụ”, nhưng Lương Cường lại đang tỏ ra rất cứng rắn. Không biết, ông Chủ tịch nước cứng thật, hay chỉ tỏ vẻ bề ngoài? Chỉ có thời gian mới trả lời.
Thái Hà – Thoibao.de