Ngày 14/12, RFA Tiếng Việt đăng bình luận của blogger Huỳnh Trần: “Việt Nam cải cách: chủ nghĩa xã hội mờ dần, chủ nghĩa dân tộc lên ngôi”.
Tác giả cho Huỳnh Trần cho biết, Việt Nam đang thay đổi để thích nghi với chuyển biến phức tạp và nhanh chóng của thế giới. Dưới sự lãnh đạo của tân Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đang cải cách thể chế “từ trên” để có thể bước vào cái gọi là “kỷ nguyên mới” với hàm ý là một thời kỳ cho dân tộc, quốc gia “vươn mình”. Dưới thời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ nghĩa xã hội là chủ thuyết phát triển được đề cao, nay đang “mờ dần” nhường chỗ cho chủ nghĩa dân tộc “lên ngôi”.
Tác giả cho rằng, Việt Nam cần một chủ thuyết để phát triển, trong đó gọi là cách mạng, đổi mới, cải cách hay một thuật ngữ chính trị được lựa chọn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi thời kỳ tuỳ thuộc và quy mô và tính chất tiến hành.
Tuy nhiên, chủ thuyết chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Marx – Lenin dần trở nên giáo điều, để duy trì chế độ thay vì để phát triển. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản là một hình thức của chế độ chính trị tập quyền cao, với đặc trưng thúc đẩy người đứng đầu đảng nắm giữ quyền lực tuyệt đối.
Theo tác giả, về bản chất, lý luận “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cố gắng “đúc kết”, tương đồng với “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc” dưới thời Tập Cận Bình.
Tác giả lưu ý, việc ông Tô Lâm lên nắm quyền Tân Tổng Bí thư ngay khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ, và đã phát động cuộc cải cách thể chế “từ trên”, theo cách “vừa chạy vừa xếp hàng”, với tính chất và nội hàm khó lường.
Trước hết, ông Tô Lâm cho rằng, cần phải “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” và sau đó là những hành động biến những quy định, quy trình nghị sự, thủ tục, những phiên họp của Đảng, Chính phủ và Quốc hội “hiện hành” trở nên nhanh chóng “bất thường” và đạt mục đích.
Ông Tô Lâm tập trung vào việc “tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị” và nhấn mạnh như một “cuộc cách mạng”. Những chuyến công du nước ngoài của “tứ trụ” Đảng và Nhà nước, nâng cấp quan hệ đối tác, tiếp đón các tập đoàn và kêu gọi đầu tư nước ngoài… với tần suất “chưa từng có” nhằm quảng bá về sự đổi mới của chế độ, cải cách và sự cởi mở vì mục đích kinh tế…
Với tất cả những động thái đối nội, đối ngoại mạnh mẽ, quyết đoán, thể hiện một tinh thần dân tộc, ông Tân Tổng Bí thư Tô Lâm đang thúc đẩy giới lãnh đạo chế độ hiện hành nỗ lực chuẩn bị cho “kỷ nguyên mới” để “dân tộc vươn mình”.
Vẫn theo tác giả, thực tế đã chỉ ra chủ nghĩa xã hội đã không thể trở thành chủ thuyết phát triển “bền vững” trong thời kỳ Đổi mới, và sự cải cách thể chế thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc. Nếu bỏ qua những định kiến về bản chất “cộng sản” của chế độ, hay những suy đoán về tương lai “công an trị” xuất phát từ lực lượng an ninh là “nòng cốt”, thì “cuộc cách mạng” lần này phản ánh một hình thức của chủ nghĩa dân tộc, quốc gia.
Tác giả cho biết thêm, ngoài các ý tưởng về quốc gia và nhà nước, bản sắc dân tộc, đoàn kết dân tộc, ranh giới chính trị và chủ quyền quốc gia, chủ nghĩa dân tộc nhấn mạnh đến “sự độc quyền bạo lực hợp pháp trong một lãnh thổ nhất định”, và “lòng trung thành chính trị”. Về nguyên lý, lý thuyết hiện đại hóa được chấp nhận phổ biến nhất về chủ nghĩa dân tộc, đã đề xuất rằng chủ nghĩa dân tộc xuất hiện do các quá trình hiện đại hóa, chẳng hạn như công nghiệp hóa, đô thị hóa và giáo dục đại chúng, điều này làm cho ý thức dân tộc trở nên khả thi.
Tác giả nhận định, nếu chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam được thúc đẩy thì “tốt” sẽ nhiều hơn “xấu”. Trước hết về điều tốt, chủ nghĩa dân tộc làm “mờ dần” chủ nghĩa xã hội giáo điều, cản trở đổi mới phát triển,… Đây là vấn đề phức tạp, và “cuộc cách mạng” thể chế mới chỉ bắt đầu, vì vậy cần được tiếp tục quan sát và nghiên cứu.
Mình Vũ – thoibao.de