Ngày 28/2, BBC Tiếng Việt có bài: ‘Bị đe dọa áp thuế, Việt Nam sẽ tiếp nhận người bị Mỹ trục xuất?”.
Theo đó, BBC dẫn lời một luật sư nói với hãng tin quốc tế, Việt Nam đã cam kết hỗ trợ việc hồi hương của hàng chục công dân bị giam giữ tại Hoa Kỳ, và nhanh chóng xử lý các yêu cầu trục xuất mới, sau khi chính quyền ông Trump đe dọa áp thuế thương mại và trừng phạt thị thực.
Động thái này là một trong hàng loạt các nhượng bộ, mà Việt Nam đang cân nhắc để tránh các khoản thuế, có thể làm tê liệt nền kinh tế vốn phụ thuộc lớn nhất vào xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
BBC dẫn lời ông Nguyễn Thành Tín – một luật sư di trú tại Hoa Kỳ, cho biết, Việt Nam đã đồng ý phản hồi các yêu cầu trục xuất của Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày, “nhanh hơn nhiều so với trước đây”.
Luật sư Tín nói rằng, thông tin mà ông có được từ một quan chức Việt Nam là Hà Nội đã đồng ý, trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của Trump, sẽ cấp giấy tờ thông hành cho 30 công dân Việt Nam bị giam giữ, mở đường cho việc trục xuất họ.
Ông cho biết điều đó là bất thường vì Việt Nam “trước đây thường từ chối cấp giấy tờ và kéo dài quá trình này”, qua đó ngăn chặn hiệu quả nhiều vụ trục xuất.
BBC cho hay, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, hồi đầu tháng 2, đã nói rằng Việt Nam sẽ “tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, về việc hồi hương công dân theo các thỏa thuận đã ký”.
Trong tháng đầu tiên của chính quyền Trump lần thứ 2, 37.660 người đã bị trục xuất, chủ yếu là đến các nước Mỹ Latinh.
Theo BBC, tuần trước, tổng cộng có 9 người Việt Nam trong số 299 người từ nhiều nước bị chính quyền Trump trục xuất khỏi Mỹ, và đưa lên một chiếc máy bay bay tới Panama – nước đóng vai trò trung gian cho những người bị trục xuất.
Một quan chức Việt Nam nói với luật sư Tín rằng Việt Nam đã thay đổi chiến thuật, sau khi chính quyền Hoa Kỳ đe dọa áp thuế thương mại, và lệnh trừng phạt thị thực không xác định, nếu Hà Nội không tiếp nhận lại những người di cư bất hợp pháp.
Vẫn theo BBC, cho đến nay, ông Trump vẫn chưa nêu đích danh Việt Nam trong loạt thông báo về thuế quan của mình, nhưng các trợ lý của ông đã đánh tiếng về điều này, và Việt Nam được coi là có nguy cơ bị áp thuế, vì thặng dư thương mại lớn và dựng nhiều rào cản thương mại.
Việt Nam cũng sẽ phải chịu rủi ro cao trước các mức thuế toàn cầu đối với chất bán dẫn, vì là một trong những nước xuất khẩu chip hàng đầu sang Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hồi năm 2018, luật sư Tín nói rằng, có khoảng 8.600 người gốc Việt đã có lệnh trục xuất, chủ yếu là những người di cư trước năm 1995, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Với những thay đổi trong chính sách nhập cư của ông Trump, họ có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào nếu Việt Nam đồng ý tiếp nhận.
Theo luật sư Tín, trong số những người bị trục xuất không ít người từng phạm các trọng tội, như buôn bán ma túy, cần sa.
“Ngoài ra, phần đông trong số họ chỉ có thẻ xanh, không phải là công dân Mỹ. Nguyên nhân là do trước đây họ chủ quan, không đăng ký nhập quốc tịch, vì nghĩ rằng sinh sống hợp pháp và có công việc ở Mỹ là đủ. Tuy nhiên nay dưới thời ông Trump, mọi chính sách đều thay đổi” – luật sư Tín nói thêm.
BBC nhắc lại, đầu năm 2008, sau gần 10 năm thương thảo, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Biên bản Ghi nhớ, đồng ý trao trả người Việt về lại Việt Nam.
Theo thỏa thuận này, Việt Nam chỉ đồng ý nhận lại người Việt đã vào Mỹ sau ngày 12/7/1995, là ngày Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức nối lại bang giao. Người Việt đến Mỹ trước thời hạn đó không nằm trong diện bị trao trả.
Trong suốt một thập niên qua, có rất ít người Việt bị Mỹ trục xuất đã được Việt Nam tiếp nhận.
Quang Minh – thoibao.de