Con gà con không thể nằm mãi trong trứng được, nó cần phải dùng sức của mình mổ cho vỡ lớp vỏ bọc và chui ra. Nếu không làm được điều đó, con gà vẫn chỉ là “quả trứng lộn” không có sức mạnh. Tương tự vậy, ông Nguyễn Thanh Nghị-Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố HCM cũng phải thực hiện những bước đi có tính bước ngoặt, biến ông từ một “công tử” trở thành chiến binh thực sự.
Xem như suất Ủy viên Bộ Chính trị đang nắm chắc trong tay, vấn đề là chỉ chờ đến đại hội là chính thức gia nhập bộ siêu quyền lực. Đây là sân chơi đầy quyền lợi nhưng sự cạnh tranh cũng vô cùng khắc nghiệt. Tính đối kháng rất cao nên rất dễ bị ngã ngựa. Nhiệm kỳ 2021-2026 đã có 7 người phải ngã ngựa và 1 người phải tử vong ngay khi còn “ngồi trên ghế”.
Trong Bộ Chính trị, không khó để nhận ra sức mạnh đối ngoại. Ai có sức mạnh đối ngoại với Bắc Kinh thì người đó sẽ chiếm ưu thế. Hiện nay, cả ông Tô Lâm, Lương Cường, Phạm Minh Chính đều có những mối quan hệ nhất định với Bắc Kinh. Riêng ông Trần Thanh Mẫn kết nối với Bắc Kinh còn yếu nên là kẻ thân cô thế cô nhất trong Tứ trụ. Ông Mẫn vào Tứ trụ nhờ lúc Bộ Chính trị khủng hoảng nhân sự, nói chung là ông gặp may mắn hiếm có. Tuy nhiên, vì sức mạnh chính trị không đủ, nên ghế ông Mẫn ngồi cũng rất mong manh.
Ắt Nguyễn Thanh Nghị không thể nào không nhận ra, ông Nguyễn Phú Trọng đã lật ngược thế cờ trước Tía- Dũng của ông bằng đường lối ngoại giao thân thiện với Bắc Kinh. Nguyễn Phú Trọng giành được tín nhiệm hơn từ Tập Cận Bình, và đó là cơ sở vững chắc để các thế lực nhỏ hùa theo. Bởi các thế lực nhỏ trong nước cũng rất thức thời, họ thường nhìn vào sự đỡ đầu của Bắc Kinh mà quyết định chọn “minh chủ” để phụng sự. Thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, ông “mạnh vì gạo bạo vì tiền” nhưng vẫn thua trước đòn đánh của Nguyễn Phú Trọng.
Sự thành công trên chính trường của ông Nguyễn Phú Trọng đang là hình mẫu cho Tô Lâm thực hiện. Về đối nội, Tô Lâm thâu tóm mọi quyền lực, nhưng về đối ngoại, Tô Lâm luôn biết cách vuốt đuôi Tập Cận Bình bằng những dự án rõ ràng. Cả Phạm Minh Chính cũng tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh nhờ khởi động dự án 3 đặc khu kinh tế.
Hay như ông Lê Thanh Hải một thời làm ông trùm Thành phố Sài Gòn cũng nhờ kết nối với Chu Vĩnh Khang-Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc thời đó. Sức mạnh chính trị của Lê Thanh Hải hơn những Bí thư thành ủy đời sau như Đinh La Thăng, Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Văn Nên rất nhiều. Nếu Nguyễn Thanh Nghị muốn làm sống dậy gia tộc Nguyễn Tấn Dũng, ông cần phải đi nước cờ như Lê Thanh Hải chứ không thể “hiền” như Đinh La Thăng, Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Văn Nên.
Ngày 26/3, ông Nguyễn Thanh Nghị –Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã tiếp ông Trần Kiến Văn Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Biên tập Nhân dân Nhật báo. Ông này được xem là một trong những người đại diện cho tiếng nói của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để ông Nguyễn Thanh Nghị kết nối với Bắc Kinh. Khi vào Bộ Chính trị nếu không kết nối được với Bắc Kinh thì vẫn bị xem là “công tử” chưa thế được xem là chiến binh thực sự.
Đã quan hệ thì phải có trao đổi quyền lợi, quyền lợi ở đây là đưa đường dẫn lối Bắc Kinh thọc sâu vào Đảng Cộng Sản Việt Nam để họ tiến hành Bắc thuộc theo kiểu “tằm ăn dâu”. Được biết, ông Nguyễn Thanh Nghị cam kết với ông Trần Kiến Văn trong việc đẩy mạnh hơn nữa giao lưu, hợp tác giữa các cơ quan báo Đảng Trung ương của hai bên, góp phần hiện thực hóa các nhận thức chung cấp cao, nhất là trong lĩnh vực tuyên truyền, tư tưởng, văn hóa, truyền thông, báo chí, trao đổi lý luận.
Xem ra Nguyễn Thanh Nghị không phải là Trần Tuấn Anh, không thụ động, mà ngược lại, ông Nghị đang rất chủ động tìm kiếm hậu thuẫn từ bên ngoài, chuẩn bị cho quá trình trưởng thành trên vũ đài chính trị.
Trần Chương -Thoibao.de