Kỷ nguyên vươn mình nghe thật hoành tráng. Đây là khẩu hiệu mà các tờ báo, các quan chức cấp dưới Tô Lâm luôn nhai đi nhai lại có vẻ như họ muốn quyết tâm. Tuy nhiên, để thực hiện được cái gọi là “kỷ nguyên vươn mình” ấy thành hiện thực không dễ. Liệu rằng một con người như Tô Lâm có đủ trí tuệ để nhận ra sự thật khách quan, dám nhận ra lỗi hệ thống của Đảng Cộng Sản để mà đại phẫu hay không?
Nếu nhìn vào những quốc gia đã vươn mình thành công, không một quốc gia nào là quốc gia Cộng Sản. Ở Châu Á có Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. Ở Châu Âu có Ban Lan, Cộng Hòa Séc, Slovenia vv… cũng đã vươn mình mạnh mẽ thành những quốc gia giàu có. Tất cả những đất nước đã vươn mình thành công ấy hoặc là không cộng sản, hoặc phải rũ bỏ cộng sản.
Việc rũ bỏ Cộng Sản chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Bởi rất nhiều quốc gia Đông Âu đã rũ bỏ Cộng Sản nhưng họ lại rơi trở lại một dạng độc tài khác khiến cho đất nước khốn đốn, dân khốn khổ, mà trong đó nước Nga là ví dụ rõ nhất.
Mới lên làm Tổng bí thư, Tô Lâm vẫn trung thành với tư tưởng Cộng Sản là một dấu hiệu cho thấy, ông không đủ can đảm và cũng có thể không đủ tầm để nhận ra vấn đề. Việc cải cách bộ máy hành chính của Tô Lâm chỉ là sự vùng vẫy của một dạng “cá chậu chim lồng”, bởi dù có muốn làm náo loạn thì Tô Lâm vẫn đang bị nhốt trong cái lồng ý thức hệ Cộng Sản. Cho dù có giảm đơn vị hành chánh cấp tỉnh, thu gọn các bộ và cơ quan ngang bộ thì bản chất Cộng Sản vẫn còn đó. Những cơ chế cũ vận hành bộ máy bao lâu nay vẫn đóng vai trò cốt lõi. Bộ máy sẽ làm việc theo kiểu tranh thủ vơ vét, đổ lỗi, chạy tội chứ chẳng ai thực sự muốn làm việc với tấm lòng trong sáng và trách nhiệm.
Thực tế, cho dù Tô Lâm đủ can đảm phá đi cái lồng Cộng Sản đang giam hãm Việt Nam thì ông cũng sẽ đối diện với một cái lồng khác, cái lồng Bắc Triều. Đây mới chính là cái lồng mà ông Tô Lâm sợ nhất.
Thực chất cái lồng Cộng Sản cũng là một loại lồng mà do Bắc Kinh nắm giữ. Việc nhóm Nguyễn Văn Linh-Đỗ Mười-Phạm Văn Đồng trao quyền sinh quyền sát vào tay Bắc Triều ở Hội Nghị Thành Đô năm 1990 là hành động vô cùng sai lầm. Kể từ đó, Đảng Cộng Sản không còn độc lập chính trị với Bắc Kinh.
Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa qua đã nói lên nhiều điều. Tô Lâm lo ngại Tập Cận Bình vẽ lại bản đồ quyền lực của thượng tầng chính trị nên cho họp vội để ăn chia sớm. Thông tin nội bộ cho biết như thế.
Và nếu đây là sự thật thì điều đó cho thấy, dù Tô Lâm không muốn phụ thuộc Bắc Triều đi chăng nữa thì ông cũng sợ Tập Cận Bình. Tô Lâm không đủ tự tin để dẫn dắt nhóm của ông có thể độc lập chính trị với Bắc Kinh.
Tô Lâm giữ chức Tổng bí thư, ông đứng đầu đảng. Thế nhưng liệu toàn Đảng có đồng lòng với ông trên con đường cải cách hay không? Muốn có kỷ nguyên vươn mình phải có sự đồng lòng toàn đảng, mà đồng lòng chưa đủ, đồng lòng cộng với chiến lược đúng, quyết tâm cao và quan trọng nhất là bộ máy trong sạch. Trong tất cả các điều kiện ấy, điều kiện nào cũng ngoài khả năng của ông Tổng bí thư.
Hiện nay phe Phan Văn Giang đang cố vượt ra khỏi sự kiểm soát của phe Tô Lâm. Phan Văn Giang muốn tự mình tỏ thái độ thần phục Bắc Kinh để mưu cầu lợi ích chính trị. Đấy là dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng Sản không thể vươn mình.
Nói chung, Tô Lâm đang cố vùng vẫy để tạo “kỷ nguyên vươn mình”, thế nhưng càng vùng ông càng bị trói vào một mớ rối rắm không thể thoát ra. Trong đó, sợi dây trói có tên “Bắc Triều quá chắc chắn”. Tô Lâm sẽ không thể làm gì được.
Thái Hà -Thoibao.de